Khoảng 100km đường cao tốc đi qua tỉnh
Dự kiến, tới đây sẽ có 03 tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Hậu Giang với khoảng 100km đường cao tốc. Trong đó, tuyến Cần Thơ – Cà Mau qua Hậu Giang khoảng 63km, tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng khoảng 37km.
Việc đầu tư các tuyến cao tốc đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang sẽ giúp mở ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh. Hạ tầng giao thông này là động lực thu hút các nhà đầu tư, tăng cường kết nối Hậu Giang với các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng như các tỉnh thành khác với tuyến cao Bắc Nam đoạn qua Cà Mau – Hậu Giang – Cần Thơ.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, đoạn cao tốc Cà Mau – Hậu Giang – Cần Thơ trên tuyến cao tốc Bắc Nam với 12 dự án thành phần có tổng vốn đầu tư 147.000 tỷ đồng cơ bản hoàn thành năm 2025. Theo đó, tuyến Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài 37,65 km và tuyến Cà Mau – Hậu Giang có chiều dài 73,22km với tốc độ thiết kế 100 – 120km. Với thiết kế này, sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Hậu Giang tới Cần Thơ xuống còn 32 đến 37 phút và thời gian di chuyển từ Hậu Giang đi Cà Mau còn 61 đến 73 phút. Hạ tầng cao tốc sẽ là động lực thúc đẩy kết nối giao thương đường bộ từ Hậu Giang đi tới các cảng biển và cảng hàng không khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là yếu tố tiền đề để Hậu Giang trở thành trung tâm công nghiệp và logistic của đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh hệ thống đường cao tốc, Hậu Giang sở hữu khoảng 2.300km đường thủy nội địa. Kênh Xà No nổi bật trong hệ thống đường thủy tại Hậu Giang dài khoảng 40km, rộng 60m, sâu từ 2,5 đến 9m, chảy qua Cần Thơ và Hậu Giang. Dòng kênh này vốn là con đường lúa gạo của cả vùng giờ đây đã trở thành điểm du lịch độc đáo của địa phương.
“Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”
Tháng 6 vừa qua đã diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang 2022 với chủ đề “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Hội nghị đã trở thành diễn đàn để tỉnh giới thiệu và quảng bá tiềm năng và thế mạnh của Hậu Giang. Đây cũng là dịp để tỉnh kêu gọi đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Hậu Giang được hưởng lợi từ các tuyến đường cao tốc, gần sân bay, cảng biển… đồng thời là một trong những địa phương được hưởng cơ chế ưu đãi cao nhất. Hậu Giang vì thế sẽ trở thành điểm đến an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả, Hội nghị đã trao chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án với tổng mức đầu tư 18.997 tỷ đồng, đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với 08 nhà đầu tư, có tổng giá trị khoảng 220.000 tỷ đồng.
Với lợi thế tiềm năng cùng với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần “chính quyền phục vụ”, Hậu Giang đang thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia vào địa bàn tỉnh trong đa dạng các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, đô thị. Đây là bốn trụ cột kinh tế của tỉnh.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, Hậu Giang đã đạt được những thành tựu đáng kể với các chỉ số kinh tế cụ thể. Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 06 tháng đầu năm 2022 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,99% của 06 tháng đầu năm 2021. Mức tăng trưởng này cho thấy kinh tế của Hậu Giang đang dần phục hồi tích cực, đứng thứ nhất đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 8 cả nước. Trong đó, công nghiệp tăng trưởng đột phát với 30,8%, số dự án đầu tư phát triển nhà ở đô thị tăng nhanh.
Trong chuỗi sự kiện của Hội nghị này, đặc biệt phải kể đến lễ Khởi công khách sạn và hội nghị DIC Star Vị Thanh tiêu chuẩn 5 sao. Khách sạn này thuộc dự án khu dân cư thương mại Vị Thanh (DIC Victory City Hậu Giang). Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng làm chủ đầu tư dự án. Dự án DIC Victory City Hậu Giang sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng tầm bộ mặt đô thị Hậu Giang. Tổ hợp khách sạn và hội nghị DIC Star Vị Thanh sẽ giải quyết vấn đề thiếu hụt dịch vụ lưu trú, trung tâm hội nghị và các dịch vụ khác trên địa bàn Hậu Giang.
Có thể thấy rằng, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông cùng với định hướng đồng hành cùng doanh nghiệp của tỉnh Hậu Giang đang tạo tiền đề để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn tỉnh. Đây chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế Hậu Giang nói chung. Đô thị Hậu Giang cũng sẽ là một trong bốn trụ cột kinh tế của tỉnh được hưởng lợi từ động lực phát triển kinh tế này.