Sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (thế kỷ XIV) thuật lại việc thái tử Lý Phật Mã (sau này là vua Lý Thái Tông) phụng mệnh vua cha là Lý Thái Tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020). Đến Trường Châu (núi Khả Lao ở làng Đan Nê, Thanh Hóa) thì nghỉ lại. Nửa đêm, thấy một người thân cao 8 thước, mắt sáng, râu rậm, mặc chiến bào, tay cầm kim khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần Đồng Cổ, nghe tin thái tử đi đánh giặc phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập công”. Thái tử vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh giấc.
Sau khi thắng giặc, thái tử cho sửa sang miếu thần thành đền thần, tạ lễ và rước bài vị về kinh đô để dựng đền thờ. Vị trí đền “sau chùa Thánh Thọ” hiện nay là do thần báo mộng. Nhưng chùa Thánh Thọ từ lâu đã không còn nữa. Khi Lý Thái Tông lên ngôi, một lần nữa thần lại về báo trước vụ ba người em làm phản. Dẹp xong loạn Tam vương, vua xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”. Lễ vua quan cùng chích máu ăn thề bắt đầu từ đó.
Đền Đồng Cổ nhìn từ phía đường Thụy Khuê. Ảnh: N.M.Hà |
Tuy nhiên, cụ Nhâm lại có một lý giải khác cho địa thế của đền. “Thần Đồng Cổ tên là Vũ Công theo thần phả làng tôi lấy tại đền Và thờ thánh Tản Viên ở Sơn Tây. Một ông thánh của làng tôi là em con ông chú của Tản Viên. Ông ấy với cụ Đồng Cổ cùng đi dẹp giặc Thục Phán nổi lên đòi vua Hùng thứ 18 nhường ngôi không được bèn nhường cho con rể là Tản Viên. Thần Đồng Cổ diệt xong quân Thục thì hiển thánh tại núi Đan Nê - từ nhân thần thành thiên thần”.
Sau thời Nguyễn, hội thề bị gián đoạn, được khôi phục từ năm 1990. Trong những năm gián đoạn vì lịch sử, tuy không tổ chức lễ, dân làng vẫn cúng bái theo đúng lịch. Một điểm khác biệt sau 1990, phụ nữ tham gia tích cực vào công tác tổ chức lễ hội thay vì chỉ các cụ ông mới được lãnh trọng trách như trước kia. “Ở đình ngày xưa nữ không được vào, nhưng bây giờ cánh tớ không có nữ không làm được”, cụ Nhâm cười. “Giờ toàn dân cùng làm, chứ không đơn giản”. Cụ cho hay các lãnh đạo cấp quốc gia và thành phố vẫn đến lễ đền chỉ có điều không vào dịp lễ hội. Còn năm nay, lãnh đạo quận đến dâng hương đúng chính lễ. “Năm nay cấp trên cho phép mở lại lễ hội hơi sát ngày nên chúng tôi không kịp làm lớn. Sang năm không phải thế này mà sẽ có mấy chục di tích bạn đến dự”, cụ nói. Cụ Hàn Thế Nhâm vốn là cựu thanh niên xung phong, tham gia ban quản lý di tích làng xã từ 1990 ở tuổi 50. Được dân làng tín nhiệm bầu làm Phó ban và vẫn tích cực tham gia công tác tổ chức lễ hội cho đến nay.
“Đặc sản” của lễ hội đền Đồng Cổ tất nhiên là phần thề. Sau các hoàn tất nghi lễ cúng, chủ lễ (có thể là chủ tịch phường, bí thư tổ dân hoặc trưởng ban quản lý di tích) đọc về nguồn gốc hội thề. Lần lượt các đại biểu đại diện cho các cấp chính quyền, người cao tuổi, ban di tích, dân làng… vào dâng hương rồi ra tập hợp trước sân đủ 100 người, chia làm 10 hàng để đọc lời thề. Sau đó giơ tay nói 3 lần “Xin thề”.
Ngoài lời thề gốc gồm 3 câu các cụ trong làng còn soạn ra một bài thơ để chủ lễ đọc trước khi mọi người cùng thề. Bài thơ đã được phê duyệt trở thành văn bản cố định chính thức của làng, nội dung như sau: “Tận hiếu với nhà/ Tận trung với nước/ Đuổi quân xâm lược/ Giữ vững sơn hà (nổi chiêng trống)/ Lớp lớp cháu con/ Theo gương tiên tổ/ Quyết làm rạng rỡ/ Quê hương đẹp giàu (chiêng trống)/ Chúng con khấu đầu/ Trước Thần Đồng Cổ/ Anh linh sáng ngời/ Đồng tâm tuyên thệ (chiêng trống, sau đó tất cả cùng hô)/ Làm con bất hiếu/ Làm tôi bất trung/ Thần minh tru diệt…”. Lời thề gốc thời Lý nói hẳn ra là “giết chết” chứ không phải “tru diệt”. Những tờ giấy in lời thề sau đó được hóa để thần chứng giám.
Sau đó đến màn tế tửu, dâng 3 tuần rượu. Thường thì do một đội tế từ đền khác đảm nhiệm để thêm phần long trọng, cũng như tăng cường quan hệ giao lưu học hỏi. Những đơn vị bạn được mời thường là các đội tế của đền Đô, hay các đình đền quanh vùng như Hồ Khẩu, Yên Thái, Kim Mã…
Những kỳ lớn có thêm lễ rước hai vị thành hoàng làng từ bên đình sang. Cụ Nhâm cho hay thời kỳ đình làng Yên Thái bị trưng dụng làm kho, hai cụ thành hoàng được rước sang bên này để thờ chung với Thần Đồng Cổ mất mười mấy năm.
Mỗi kiệu cần 20 nam thanh niên rước. Ngoài tiêu chuẩn chưa vợ họ lại còn phải có chiều cao đồng đều. Có năm làng thừa “giai kiệu” nhưng cũng có năm thiếu, các cụ phải sang trường cấp 3 Đông Đô xin các thầy lấy một kiệu. “Các thầy cho 20 cháu sang mình phải dạy dỗ lên kiệu thế nào, vào ra kiệu làm sao, xuống kiệu, dừng, quay đều phải có bài”, cụ Nhâm kể. Tất nhiên cứ 5 năm một lần các cụ hầu như đều phải dạy lại vì các thanh niên không đi làm đi học xa thì cũng lấy vợ.
Cụ Nhâm nhấn mạnh, đền Đồng Cổ song hành cùng lịch sử Thăng Long, cộng với sự linh thiêng của vị thần và nét nhân văn của lời thề, nên được phát huy trở thành di tích điểm của quận Tây Hồ và Hà Nội.
Thời chống Pháp, đền trúng quả đạn pháo còn mỗi hậu cung. Nhân dân sửa sang nhà nhị bái để làm lễ. Từ 1990, nhân dân lại đóng góp dựng lại nhà phương đình. Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long, Hà Nội tổ chức Ngày Văn hóa Thủ đô, cụ Nhâm phụ trách đội thề đền Đồng Cổ gồm 150 người diễu hành quanh Bờ Hồ cùng các đơn vị quận huyện khác. Khi tất cả tập trung về vườn hoa Lý Thái Tổ, lời thề trung nghĩa của đền Đồng Cổ đã vang vọng qua hệ thống loa giữa trung tâm thủ đô mà cụ có cảm giác như “vang khắp thế giới”. “Ngay chiều hôm ấy lãnh đạo thành phố đã về lễ đền và duyệt đầu tư sửa nhà hữu mạc, tả mạc, cải tạo sân vườn”, cụ Nhâm nhớ lại.
Tới thời điểm 1000 năm Thăng Long, thành phố tiếp tục chi hơn 6 tỷ đồng tôn tạo đồng bộ. Do dự án cống hóa một phần sông Tô Lịch, đền không giữ được nguyên thế “lưng tựa hoàng thành tiền sông Tô Lịch”, nhưng dân làng đã xin thành phố nắn dòng sông và để lại một khúc sông tạo thành hồ nhỏ trước đền như hiện nay. Cũng theo cụ Nhâm thì vẫn còn 8 gia đình đang ở trong khuôn viên trước đây thuộc về đền từ đầu những năm 1970. Chờ thành phố giải tỏa xong đền sẽ được mở cổng ra đường Hoàng Hoa Thám, khang trang bề thế hơn.