Hội thề không tham nhũng

TP - 7 giờ sáng ngày 21/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch), cụ Phạm Đăng Khoa (82 tuổi), “tiên chỉ” của làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã tất tả ra đền làng. Hôm nay làng mở hội minh thề nên các bậc bô lão như cụ Khoa đều kéo ra sân đền chuẩn bị tổ chức các nghi thức của buổi lễ.
Chủ tế và chức sắc trong làng hô vang lời thề trong hội minh thề.

Thề không tham nhũng

Trên khoảng sân đền đài thề cờ phướn phấp phới, các quan viên và hương thôn trong làng đã chỉn chu áo dài khăn xếp, tề tựu quanh đài thề dựng trước cửa đền. Ông Phạm Phú Oanh, trưởng thôn Hòa Liễu giữ vài trò chủ lễ, tất bật đảo qua đảo lại kiểm tra khắp lượt. Dân thôn già trẻ lớn bé cùng quan khách và người dân quanh vùng kéo về kín sân đền.

Một hồi trống hiệu vang lừng, điệu lưu thủy réo rắt báo hiệu lễ hội minh thề bắt đầu. Trưởng làng cùng các quan viên lo việc chính sự trong thôn được rước ra trước đài thề khói hương lan tỏa. Chủ lễ thắp nhang quỳ lạy rồi làm cầm con dao bầu nhọn hoắt làm thủ tục “thiết linh, chích địa”. Ông Oanh dựng đứng con dao quay một vòng tròn, tiếp đó lại cúi khom người rê mũi dao vè một vòng tròn trên mặt đất. Rồi ông cắm phập con dao xuống giữa vòng tròn. Hịch văn Minh thề được chủ lễ chuyển cho một “quan viên” tuyên đọc. Văn thệ gồm bốn nội dung: không lấy của công, không trộm cắp, không cậy thế o ép người, không bao che cho kẻ gian. “Dĩ công vi công, nguyện chư thần ủng hộ. Nhược hữu tham tâm, dĩ công vi tư, nguyện chư thần linh đả tử! Y như văn thệ!”-sau mỗi lời thề sang sảng như vậy, chủ lễ và quan viên lại vung tay hô to “xin thề”.

Dứt hịch văn, chủ lễ rút con dao bầu dưới đất tiến ra đài thề để “chích huyết kim kê”. Một con gà trống lớn được rước ra trước đài thề. Ông Oanh cầm dao cứa cổ con gà. Tiết gà chảy vào chiếc bình rượu thề. Chén rượu thề đầu tiên được dâng cho chủ lễ. Ông Oanh bưng chén uống cạn. Những chén rượu thề được lần lượt dâng lên cho các “quan viên” trong làng rồi đến lượt dân thôn nâng chén rượu thề.

Lý giải về việc chỉ có quan viên và dân đinh thề, không thấy có bóng dáng “quan trên” tham gia uống rượu thề, cụ Phạm Đăng Khoa nói do đây chỉ là lễ hội của làng. Nguồn gốc hội minh thề có từ thời nhà Mạc, cách nay hơn 400 năm. Theo đó, năm 1561, Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (chính thất của Thái tổ Mạc Đăng Dung) lập ấp Lan Niểu (làng Hòa Liễu ngày nay) đã quyên tiền tu tạo ngôi chùa Thiên Phúc. Bà bỏ tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước ruộng dâng tam bảo. Sau đó, dân thôn cũng góp ruộng dâng lên, được tổng cộng 47 mẫu 3 sào gọi là “thánh điền”. Một phần này được cho cấy đấu thầu gây quỹ nghĩa thương cấp cho người nghèo khi giáp hạt, duy tu sửa chữa đường làng. Để quản lý quỹ nghĩa thương không bị thất thoát các bậc bô lão, chức sắc trong thôn đã cùng nhau lập lời thề. Lễ hội minh thề ra đời từ đó.

Ước mong vươn khỏi làng

Cụ Khoa cho hay, chưa rõ lời thề có linh nghiệm hay không nhưng nó có ý nghĩa rất lớn trong cuộc sống, khiến cho dân thôn, chức sắc trong làng ý thức hơn. Từ hàng chục năm nay, các chức sắc trong làng từ trưởng thôn đến xóm trưởng đều không có điều tiếng gì. Dân thôn cũng hòa ái, ứng xử với nhau giữ tình thân mật làng quê. Làng Hòa Liễu được công nhận làng văn hóa sớm nhất huyện Kiến Thụy. Chương trình nông thôn mới cũng đã hoàn thành sớm.

Ông Chử Ngọc Minh, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kiến Thụy cho biết: Trước lễ hội minh thề, ban tổ chức có gửi giấy mời lên thành phố nhưng do thời điểm này trên địa bàn thành phố có rất nhiều các hoạt động văn hóa nên các cán bộ thành phố không đến dự được. Ông Minh nói với ý nghĩa văn hóa sâu sắc của lễ hội minh thề, ông rất mong muốn lễ hội sẽ được mở rộng ra không chỉ bó hẹp trong làng nữa. Theo ông Minh, thời gian tới, ngành văn hóa huyện sẽ đề xuất nâng tầm hội minh thề lên cấp huyện cấp xã.