Chiều ngày 11/11, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp cùng Novartis Việt Nam tổ chức hội thảo “Tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” nhằm chia sẻ về thực trạng nhập viện cũng như thảo luận về các giải pháp nhằm cải thiện nhập viện hợp lý tại nước ta, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và tính chống chịu cho hệ thống y tế trước đại dịch COVID-19.
Tăng tính chống chịu của hệ thống y tế trước đại dịch COVID-19
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ tầm quan trọng của bệnh viện trong cung ứng dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thứ trưởng cho biết, nước ta hiện có tổng cộng 1.420 bệnh viện, trong đó chủ yếu là bệnh viện công lập được phân theo 3 tuyến trung ương, tỉnh và huyện. Số giường bệnh trung bình trên 1 vạn dân là 28,5 giường. Trong thời gian qua, mạng lưới bệnh viện đã không ngừng được đầu tư, nâng cấp mở rộng quy mô nhằm hiện thực hóa mục tiêu 30 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2025 và 32 giường/1 vạn dân vào năm 2030.
“Cùng với việc mở rộng quy mô, tăng tính sẵn có của dịch vụ bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ, các vấn đề ưu tiên đặt ra đối với hệ thống bệnh viện là nâng cao chất lượng, giảm quá tải và tăng hiệu quả hoạt động của bệnh viện”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện CLCS Y cũng khẳng định: “Nhập viện không cần thiết là có thể tránh được bằng những biện pháp phòng bệnh và điều trị hiệu quả, kịp thời ngay từ tuyến y tế cơ sở.”
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nêu rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng, giảm quá tải và tăng hiệu quả hoạt động bệnh viện trong đại dịch COVID-19. |
Chia sẻ tại hội thảo, PGS. TS. BS. Nguyễn Ngọc Quang, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia đã đưa ra minh họa cho vấn đề tăng cường nhập viện hợp lý, nâng cao tính chống chịu của hệ thống y tế là giải quyết vòng lặp tái nhập viện đối với bệnh nhân suy tim. Mặc dù Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1.6 triệu người mắc suy tim cần chăm sóc và điều trị. Trong khi đó, người bệnh suy tim thường xuyên phải nhập viện vì những đợt suy tim cấp và khoảng 4-7% bệnh nhân tử vong trong thời gian nằm viện. Ngoài ra, suy tim cũng là 1 trong 20 nhóm bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi đồng mắc COVID-19.
Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Ngọc Quang, việc sử dụng sớm các thuốc chuyên khoa cho bệnh nhân suy tim sẽ có tác động rất lớn đến tình trạng nhập viện. Điển hình như nhóm thuốc ARNI – một trong 4 nhóm thuốc trụ cột cho bệnh nhân suy tim, đã làm giảm tới 20% tỉ lệ nhập vi do suy tim và tử vong do tim mạch so với điều trị thường quy. Do đó, PGS. TS. BS. Nguyễn Ngọc Quang cho rằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân suy tim được tiếp cận và sử dụng các thuốc điều trị suy tim hiệu quả như ARNI sẽ giúp bệnh nhân tránh được vòng xoáy nhập viện – xuất viện – tái nhập viện và nguy cơ tử vong.
PGS. TS. BS. Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ về thực trạng bệnh lý suy tim tại Việt Nam |
Tham dự hội thảo, Th.S Nguyễn Hoàng Giang của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cũng đã có bài trình bày về kết quả nghiên cứu can thiệp nhằm nâng cao năng lực trạm y tế xã trong quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Theo đó, nếu năng lực trạm y tế xã được tăng cường để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh mạn tính sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm nguy cơ nhập viện và tử vong của bệnh nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nói chung.
Xây dựng bộ tiêu chí nhập viện phù hợp cho bệnh nhân Việt Nam
Dựa trên những thảo luận tại buổi hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí nhập viện phù hợp làm công cụ quản lý hiệu quả nhập viện cũng như đẩy mạnh việc quản lý và chăm sóc sức khỏe toàn dân tại tuyến y tế cơ sở. Theo các đại biểu, việc phát hiện sớm, điều trị và quản lý toàn diện ngay từ đầu sẽ giúp xác định đúng các trường hợp cần phải nhập viện khi cần thiết cũng như tránh được các trường hợp nhập viện không cần thiết khác, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, hạn chế việc chuyển tuyến không hợp lý gây khó khăn trong quản lý dịch bệnh.
Hội thảo thống nhất về các giải pháp tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam |
Bên cạnh đó, hội thảo cũng thống nhất việc cần phải mở rộng mô hình quản lý bệnh nhân suy tim và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường sự kết nối, cung cấp thông tin kịp thời đến người bệnh cũng như liên thông kết quả, dữ liệu điều trị cách nhanh chóng, đầy đủ. Đồng thời, đảm bảo cho các bệnh nhân nói chung, đặc biệt là bệnh mạn tính như suy tim nói riêng được tiếp cận và sử dụng thuốc phù hợp, bao gồm việc tiếp cận thuốc mới được khuyến cáo theo các tài liệu chuyên môn như nhóm ARNI nhằm giúp nhiều bệnh nhân được tiếp cận điều trị, kiểm soát biến chứng tốt hơn, giảm tải gánh nặng nhập viện điều trị, giảm tử vong cho bệnh nhân cũng như gánh nặng cho hệ thống y tế.
Kết luận của buổi hội thảo khẳng định tầm quan trọng của việc quản lý hiệu quả nhập viện hợp lý và cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm tăng cường nhập viện hợp lý tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tính chống chịu của hệ thống y tế.
Với sứ mệnh tìm ra các thuốc mới, Novartis liên tục được xếp trong nhóm các công ty hàng đầu trên thế giới đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Các sản phẩm của Novartis tiếp cận gần 800 triệu người trên toàn cầu và hiện đang tìm kiếm các cách sáng tạo để mở rộng tiếp cận đối với các liệu pháp điều trị tiên tiến nhất.
Đầu năm 2020, Công ty TNHH Novartis Việt Nam đã chuyển đổi thành công sang loại hình doanh nghiệp nhập khẩu thuốc có vốn đầu tư nước ngoài và đang thực hiện hoạt động nhập khẩu trực tiếp. Thông qua những cam kết dài hạn, Novartis đang hỗ trợ hệ thống y tế và đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thông tin thêm tại https://www.novartis.com