Tham gia hội thảo là những nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, chuyên biệt về di sản văn hoá các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, hiệp hội về văn hoá dân tộc…
Phát biểu tại hội thảo TS. Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc cho rằng: “Trong thời đại mới, chúng ta cần một cách nhìn mới, tương tác đa chiều để biến di sản, các giá trị văn hóa thành động lực phát triển. Coi các giá trị văn hóa là vốn tinh hoa, kết hợp với sáng tạo để giới thiệu Việt Nam với thế giới – đây là phát triển bền vững theo cách mới”.
Cùng với đó, TS. Lê Doãn Hợp cũng khẳng định văn hóa quản lý nhằm tôn vinh người giỏi, chọn người đứng đầu tốt. Văn hóa quản lý là sự tổng thể gắn bó không phải chỉ quản lý di sản mà phải tập trung giải quyết 5 vấn đề về văn hóa như: Văn hóa gia đình; văn hóa doanh nghiệp; văn hóa công sở và đạo đức công vụ; văn hóa nghệ thuật tinh hoa dân tộc; văn hóa vật thể và phi vật thể.
Văn hóa quản lý cần tập trung 5 vấn đề: Giáo dục tôn vinh văn hóa công sở; truyền bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài; lựa chọn tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam; bảo vệ tôn vinh văn hóa vật thể và phi vật thể phục vụ du lịch; cán bộ, đảng viên người thừa hành công vụ hơn ai hết phải là những người có văn hóa.
Cũng tại hội thảo, ông Trần Văn Nam – Viện trưởng Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc cho biết: Xuất phát từ thực tiễn và những bất cập trong công tác quản lý văn hóa hiện nay, Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc nhận thấy rằng, việc tổ chức một hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Văn hóa quản lý với di sản văn hóa trong quá trình hội nhập và phát triển” là cần thiết.
Nhằm xây dựng được cơ sở lý luận khoa học về văn hóa quản lý và đáp ứng nhưng đòi hỏi thực tiễn hiện nay. Từ đó giúp chúng ta có cách nhìn tổng thể khách quan trong việc phát triển văn hóa đất nước và con người Việt Nam.
Tiếp đó là các ý kiến tham luận tại hội thảo tập trung vào các vấn đề cơ sở lý luận, các khái niệm về vấn đề văn hóa quản lý di sản văn hóa trong môi trường hội nhập quốc tế; thực tiễn và những bài học kinh nghiệm về văn hóa quản lý trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa thời kỳ hội nhập quốc tế (từ 1991 đến nay);
Tiếp biến văn hóa quản lý trong hội nhập quốc tế đối với văn hóa quản lý di sản văn hóa ở Việt Nam; kinh nghiệm thực tiễn về văn hóa quản lý và phát huy giá trị di sản nổi bật ở Việt Nam và quốc tế; văn hóa quản lý di sản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số ở Việt Nam; các giải pháp xây dựng văn hóa quản lý ở Việt Nam trước mắt và lâu dài.
Trao đổi với phóng viên, ông Lạc Văn Tú - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc cho biết: Hội thảo là diễn đàn đóng góp những kiến nghị quan trọng đối với các cơ quan có thẩm quyền quản lý văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng; từ đó góp phần tạo ra chuyển biến, tiến bộ mới, hiệu quả cao hơn nữa trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hội thảo được tổ chức lần đầu tiên với quy mô cấp quốc gia, do Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc thuộc Liên Hiệp Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.