Tham dự và chủ trì Hội thảo có Ths. Bs Phan Thị Hải - Phó giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu đến từ trường đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Liên minh quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi, Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội tim mạch, Hội ung thư, Hội Y học dự phòng, Hội hen, dị ứng Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm kinh tế và phát triển cộng đồng, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ phát triển cộng đồng (CDS).
Hội thảo còn có sự tham dự và phát biểu của TS Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam; quan sát viên tại Hội thảo có TS Evan Blecher đến từ Đại học Illinois, Chicago.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ths. Bs Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các trường, các Hội và các tổ chức trong công tác Phòng chống tác hại thuốc lá nói chung và đặc biệt trong công tác truyền thông vận động tăng thuế thuốc lá.
Trong 2 ngày diễn ra hội thảo, các đại biểu được nghe các nội dung về tình hình thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá trên thế giới, các bài học kinh nghiệm của các nước về thuế thuốc lá, thực trạng giá và thuế thuốc lá tại Việt Nam, các đề xuất về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để góp phần đạt mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá: giảm tỷ lệ hút thuốc trong nam giới Việt Nam từ 45.3% năm 2015 xuống còn 39% vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, theo ý kiến các đại biểu, Việt Nam nên áp dụng phương án thuế hỗn hợp là phương án kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối với mức tăng ít nhất là 5.000 đồng/1 bao 20 điếu. Để giảm tỷ lệ hút xuống 39% theo mục tiêu quốc gia, thì thuế tuyệt đối cần tăng tới 5.000 đồng/1 bao.
Lý giải ý kiến băn khoăn của đại biểu về việc tăng thuế thuốc lá có làm tăng buôn lậu thuốc lá, Ths. Bs Nguyễn Tuấn Lâm, cán bộ chương trình Quốc gia, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ có một số nguyên nhân chính của tình trạng buôn lậu tại Việt Nam. Thứ nhất: do thuế nhập khẩu hiện đang duy trì ở mức 135%.
Thuế suất thuế nhập khẩu cao làm cho thuốc lá ngoại nhập khẩu hợp pháp khó tiêu thụ vì giá bán cao, do đó tạo động lực gây ra buôn lậu thuốc lá. Thứ hai: Do thói quen người dùng thích dùng một số nhãn thuốc lậu chính (hay còn gọi là “gu” hút thuốc). Kết quả điều tra tiêu dùng thuốc lá tại 12 tỉnh ở Việt Nam, do trường Đại học Thương mại thực hiện cho thấy trên 70% người sử dụng thuốc lá lậu là do hương vị, tò mò, bạn bè mời. Hiện nay 80-90% số lượng thuốc lá lậu là nhãn Jet và Hero.
Hai nhãn thuốc này có hàm lượng tar và nicotine rất cao, phù hợp với những người nghiện nặng thuốc lá. Số liệu điều tra Hút thuốc ở người trưởng thành GATS 2015 cho thấy 91.8% các nhãn thuốc Jet và Hero được tiêu thụ tại 2 vùng là Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đặc biệt là có tới 75% lượng tiêu thụ của 2 nhãn này là trong phạm vi 10 tỉnh gồm: Bình Thuận, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, và Cần Thơ. “gu” hút thuốc thể hiện qua việc người hút thuốc sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm thuốc lậu thay vì sử dụng thuốc lá hợp pháp giá thấp hơn. Cũng theo điều tra GATS, mức giá trung bình của Hero và Jet cao hơn mức giá trung bình của các nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp khoảng từ 30% đến 60%.
Ths. Nguyễn Tuấn Lâm cũng cho biết, ở Việt Nam buôn lậu thuốc lá thực chất không có mối tương quan với mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hay thấp. Điều này cũng được thể hiện trong kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Cụ thể qua phân tích số liệu từ 76 quốc gia cho thấy tại các quốc gia có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu thậm chí lại xảy ra nhiều hơn so với những quốc gia có mức giá và thuế thuốc lá cao. Hơn nữa, nhiều quốc gia đã kiểm soát buôn lậu thuốc lá thành công ngay cả khi thuế và giá thuốc lá tăng cao.
Ngày thứ hai của Hội thảo, các tổ chức sẽ tập trung thảo luận về kế hoạch, sự tham gia của các Tổ chức trong quá trình vận động tăng thuế thuốc lá với mong muốn sẽ có một chính sách thuế thuốc lá đủ mạnh góp phần giảm các gánh nặng bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.