Hội thảo Bình đẳng giới

Khi vấn đề bình đẳng giới được tôn trọng sẽ giúp làm giảm những hành vi bạo lực gia đình và phân biệt giới. Ảnh: minh họa.
Khi vấn đề bình đẳng giới được tôn trọng sẽ giúp làm giảm những hành vi bạo lực gia đình và phân biệt giới. Ảnh: minh họa.
TPO - Theo nhận định thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên còn một số tồn tại.

TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Dự án nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế (EOWP), giữa Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc và Bộ Ngoại giao, phối hợp tổ chức Hội thảo Lồng ghép giới trong Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật nhằm góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, phù hợp với đặc thù của mỗi giới; tạo cơ hội phát triển như nhau cho nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Tham dự Hội thảo có trên 30 đại biểu đại diện cho các cơ quan/tổ chức: Quốc hội (Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội), Bộ Nội Vụ, Bộ Tư pháp (Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam, Hội LHPN TP Hà Nội, chuyên gia, cán bộ Dự án nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế và các chuyên gia trong nước và quốc tế về giới và luật.

Nội dung Hội thảo nhằm xác định  nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đó là: Xác định vấn đề giới, xem xét, phân tích để phát hiện trong lĩnh vực, quan hệ xã hội mà văn bản sẽ điều chỉnh có khả năng dẫn đến bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới; Xác định nguyên nhân của vấn đề giới, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử giới là do chưa có các quy định của pháp luật để điều chỉnh hoặc do chính nội dung các quy định của pháp luật hoặc do thiếu các biện pháp để đảm bảo thi hành, do quá trình tổ chức thi hành hoặc do không có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, không có các biện pháp để bảo vệ bà mẹ và trẻ em; Trên cơ sở xác định vấn đề giới, phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới đề xuất các giải pháp để giải quyết vấn đề giới; Đánh giá tác động về chính sách, giải pháp để giải quyết vấn đề giới; Xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong dự kiến chính sách, dự thảo văn bản.

Hội thảo Bình đẳng giới ảnh 1

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Dự thảo Luật đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới phù hợp hơn với các quy định của Luật Bình đẳng giới, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản pháp luật.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật ban hành văn bản pháp luật sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong cả hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất với Luật Bình đẳng giới. 

Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động tham vấn nhằm lấy ý kiến của chuyên gia để đóng góp vào dự thảo luật theo hướng bình đẳng giới là điều hết sức cần thiết. Để giúp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có thêm căn cứ góp ý sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật – Bà Hòa cho biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về quy trình lồng ghép vấn đề bình đẳng giới (VĐBĐG) phù hợp hơn với các quy định của Luật Bình đẳng giới, cụ thể như quy định về hồ sơ gửi thẩm định có Báo cáo về việc lồng ghép VĐBĐG, trách nhiệm đánh giá việc lồng ghép VĐBĐG của cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra... Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện lồng ghép VĐBĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Hội thảo Bình đẳng giới ảnh 2

Bình đẳng giới sẽ có tác động tích cực giúp giảm bạo lực học đường. Ảnh: Minh họa.

Khi vấn đề bình đẳng giới được luật hóa một cách chi tiết và được thực thi một cách đầy đủ sẽ giúp cho nhận thức về bình đẳng giới trong xã hội được nâng cao, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa- những nơi đặc biệt khó khăn. Từ đó có thể hạn chế dần dần các hủ tục còn nặng về vấn đề bình đẳng giới, góp phần đáng kể vào việc hạn chế những vụ bạo hành có liên quan đến bình đẳng giới – một đại biểu nêu ý kiến.

Cũng có đại biểu cho rằng, hiệu nay vấn đề trọng nam hơn nữ vẫn còn khá phổ biến ở một số vùng, điều này đôi khi lại có tính kế thừa cao vì trẻ em luôn chứng kiến những cảnh bạo hành có liên quan đến bình đẳng giới, khi chúng lớn lên sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi xây dựng một gia đình mới và các thế hệ tiếp theo cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi xu hướng đó. Chính vì vậy rất cần phải luật hóa bình đẳng giới – một đại biểu cho biết.    

Theo nhận định thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc lồng ghép giới trong các văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên còn một số tồn tại như nguyên tắc, quy trình, thủ tục lồng ghép giới trong xây dựng văn bản pháp luật chưa được tuân thủ một cách nghiêm túc; nhiều văn bản được xác định là có vấn đề giới nhưng chưa được phân tích, nhận biết và đánh giá từ giai đoạn xây dựng và thẩm định dự án. Điều này dẫn tới việc tuân thủ trình tự, thủ tục và nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới còn nhiều hạn chế.

Các đại biểu kiến nghị, bổ sung nguyên tắc bảo đảm lồng ghép VĐBĐG trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; mở rộng phạm vi thực hiện lồng ghép VĐBĐG đối với tất cả các VBQPPL; bổ sung quy định lồng ghép VĐBĐG (nội dung và hồ sơ) trong giai đoạn đề xuất xây dựng dự thảo văn bản QPPL; đề nghị bổ sung lấy ý kiến phản biện xã hội của Hội liên hiệp phụ nữ và ý kiến thẩm định văn bản của cơ quan Lao động, Thương binh và Xã hội đối với các  chính sách bình đẳng giới trong dự thảo VBQPPL …

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).