Hồi sinh dâu tây Đà Lạt bằng thủy canh

Nguyễn Lâm Thanh chăm sóc vườn dâu thủy canh
Nguyễn Lâm Thanh chăm sóc vườn dâu thủy canh
TP - Sau 6 năm liên tiếp đối diện với nguy cơ bị xóa sổ do dịch bệnh hoành hành, dâu tây Đà Lạt đang dần hồi sinh nhờ tâm huyết của các nhà khoa học và sự năng động sáng tạo của những người làm nhà vườn.

Nguy cơ xóa sổ

Từ năm 2007- 2012, đa số các giống dâu tây tại TP Đà lạt đều bị thoái hóa và nhiễm nhiều loại sâu bệnh như xì mủ lá, đốm đen, mốc xám, mốc sương, bạch tạng, nhện đỏ, bọ trĩ. 

Các nhà nghiên cứu thế giới đã thống kê không dưới 50 loại virus và nhiều loại sâu, nấm gây bệnh (thối trái, thối rễ, cháy lá…) cho cây dâu mà thường là bệnh truyền nhiễm gây hại trên diện rộng, làm giảm năng suất và phẩm cấp của quả.

Từng có hơn 20 năm trồng và chuyên trị bệnh cho dâu tây nhưng các nông dân dày dạn kinh nghiệm như Nguyễn Văn Hai (ấp Hà Đông, phường 8), Nguyễn Văn Tuân (ấp Đa Thiện, Phường 8)… phải chào thua. 

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng Lại Thế Hưng băn khoăn: Do chưa có danh mục thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây dâu tây nên rất khó chữa trị, phục hồi diện tích cây trồng bị dịch hại. Nhiều hộ phá bỏ vườn dâu tây để trồng các loại cây khác khiến diện tích dâu giảm dần từ 120ha những năm 2005 - 2006 xuống còn 100ha, 80ha rồi thu hẹp chỉ còn 40ha năm 2011; năng suất dâu cũng giảm quá nửa.

Ở các nước trồng nhiều dâu tây, trung bình 10 năm người ta nghiên cứu cho ra một giống mới; mặt khác việc nhân giống được tiến hành bằng phương pháp cấy mô nên cây giống sạch bệnh. 

Trong khi đó, Đà Lạt chủ yếu sử dụng phương pháp nhân giống truyền thống khá đơn giản (cắt đoạn thân bò của cây dâu và giâm xuống đất) nên hệ số nhân giống thấp, cây con dễ bị nhiễm bệnh từ cây mẹ truyền sang hoặc những mầm bệnh trong đất.

Trước tình hình đó, PGS -TS Dương Tấn Nhựt cùng các cộng sự ở Viện Sinh học Tây Nguyên đã nghiên cứu quy trình nhân giống dâu tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô thực vật. 

Nhóm nghiên cứu đã cung cấp hơn 305.000 cây giống dâu tây (Mỹ đá, Mỹ hương và Mỹ đá thơm) và hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho nông dân. Kết quả, ba giống dâu này đều có khả năng kháng bệnh cao, năng suất gần 60 tấn/ha/năm, gấp 3 lần so với giống cũ.

Nhiều nhà vườn ở Đà Lạt cũng chủ động nhập các giống dâu mới từ Pháp, Mỹ, Đài Loan... Anh Nguyễn Hữu Tuấn (phường 9) nhập giống dâu mới từ New Zealand với giá 1 cây giống lúc bấy giờ lên tới 1 USD; đồng thời sản xuất theo hướng sạch và an toàn (tiêu chuẩn VietGAP). 

Đây là một trong những mô hình dâu tây trồng trong nhà kính đầu tiên ở Đà Lạt nhằm thuận tiện cho việc kiểm soát lượng mưa, tiết chế độ ẩm, khí trời, ngăn ngừa bớt sâu bệnh. Chất lượng quả tăng rõ rệt (to và chắc, màu sắc đẹp, hương thơm hơn…).

Trồng dâu thủy canh

Đó là thành công của chàng thạc sĩ sinh học Nguyễn Lâm Thanh (trú tại Đa Phú, phường 7). Ở tuổi 28, anh Thanh đã vận dụng những kiến thức khoa học từ chính đề tài luận văn tốt nghiệp của mình vào vườn dâu tây. Đây là mô hình trồng dâu thủy canh (không dùng đất) theo hướng sạch. 

Anh Thanh làm nhà kính và dựng giàn nổi trên mặt đất, sau đó đặt những túi ni lông (dài khoảng 1m) được nhồi giá thể xơ dừa đã qua xử lý lên giàn. Mỗi túi được khoét 7 - 8 lỗ để trồng dâu tây. Giá thể này giúp rễ của cây dâu dễ dàng bám vào hút dinh dưỡng dưới dạng dung dịch thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Vườn dâu còn có các thiết bị đo nhiệt độ, bẫy bắt côn trùng...; dùng thiên địch để đối phó với sâu bệnh chứ không sử dụng hóa chất.

Một trường hợp thành công khác với phương pháp thủy canh trong nhà kính là chị Nguyễn Thị Bích Thủy. Chị Thủy đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng lập trang trại Biofresh, trồng 1ha giống dâu chất lượng cao Mara des Bois nhập từ nước ngoài. 

Trang trại dâu tây này áp dụng quy trình canh tác nông nghiệp của Pháp. Quả dâu Mara des Bois mềm, mọng, hương thơm, vị thanh nên nhiều nhà hàng, siêu thị ưa chuộng, đặt mua thường xuyên.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng Lại Thế Hưng cho biết, diện tích dâu tây ở địa phương đã tăng trở lại từ giữa năm 2012, hiện có khoảng 135ha - cao nhất trong vòng mười năm nay, năng suất từ 60 - 70 tấn/ha/năm. Dâu tây là loại dễ bị nhiễm bệnh bậc nhất trong số các loại quả nhưng tín hiệu đáng mừng là tất cả các mẫu dâu tây tại các vườn dâu công nghệ cao được đem đi phân tích đều an toàn.

Những vườn treo xinh xắn trồng dâu tây ở Đà Lạt đang trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Nhiều du khách tìm đến các vườn dâu để được tự tay chọn những quả đẹp và ngon nhất dẫu giá dâu không dưới 200.000 đồng/kg, cao gấp 4 – 5 lần loại dâu trồng theo lối cũ (lộ thiên, dưới đất).

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.