Tại TP Hồ Chí Minh, mãi đến cách đây hơn tuần, chính quyền mới thôi yêu cầu 1,4 triệu học sinh đóng tiền “cơ sở vật chất” 20.000-40.000 đồng/em.
Nhưng học phí, các em vẫn phải trả khi mà cái vế day dứt sau lại vẫn để lại.
Đó là các trường vẫn được phép thỏa thuận với phụ huynh về một số khoản thu. Ai cũng biết đấy là việc nhà trường làm thay phụ huynh. Ai cũng biết cần có thỏa thuận công khai hai bên.
Nhưng thực tế cho thấy, có mấy khi chi thu đủ bù chi đâu mà toàn vượt. Năm nay có thêm điều kiện chính quyền quận huyện thẩm định.
Nhưng ai sẽ giám sát liệu chính quyền có duyệt đúng “thu đủ bù chi” hay không? Đấy là chưa kể cái ranh giới “đủ” rất mềm. Không biết bao nhiêu mới đủ?
Hà Nội thì sao? Nhằm chấn chỉnh tình trạng như ở TP HCM, Thủ đô đưa ra sáng kiến Sở Giáo dục&Đào tạo cùng Sở Tài chính xây dựng và công bố trước ngày khai giảng danh mục các khoản thu ngoài học phí, các khoản mà phụ huynh lâu nay bắt buộc phải nộp, có phản đối cũng chẳng xoay chuyển được gì.
Có giảm được được không? Có thôi được bài ca phụ thu trăm thứ bà rằn không: tiền ôn thi vào lớp chọn, tiền đồng phục, quỹ lớp, quỹ khuyến học nhà trường, cờ đỏ, nước uống, tiền ăn, sổ liên lạc điện tử, lắp điều hòa, thuê lao công quét dọn, rồi tiền xã hội hóa phòng máy tính, tổ chức phục vụ bán trú, cơ sở vật chất bán trú...?
Chờ thôi. Nhưng phải nói là khó. Khó nhất là ở chỗ thủ phạm chính của những nhiễu nhương lại đồng thời là nạn nhân. Không ít nạn nhân sau khi kêu lên trời sắp thấu thì lại đắc lực làm thủ phạm dù có thể là bất đắc dĩ.
Họ, không ai khác ngoài phụ huynh hay hội phụ huynh. Chẳng nhà trường nào dám tìm cách chi tiêu mạnh tay nếu không có đảm bảo “thiếu đâu lại có hội phụ huynh tổ chức thu để bù đấy”.
Không ít nơi các khoản thu mạnh tay được hợp lý hóa thông qua hội phụ huynh. Không ít nơi, hội phụ huynh, hoặc thụ động nhưng có khi lại chủ động, để nhà trường biến thành “hội phụ thu” giúp trường.
Làm thế nào để nguồn cung từ các “hội phụ thu” được kiểm soát bởi một cơ chế dân chủ thực sự? Chìa khóa đang nằm trong tay các vị phụ huynh. Bằng không, vẫn lại sẵn sàng “ngậm đắng đóng góp cho xong” mà hiệu quả cho học sinh lại không biết dựa vào thước nào để đo.