Hội nhập 2016: Con đường nhiều chông gai

Hội nhập 2016: Con đường nhiều chông gai
TP - Các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký ngoài tạo cơ hội còn buộc các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt với những “chông gai” chưa từng xuất hiện trong quá trình cạnh tranh và những rào cản mềm trong năm 2016. Tiền Phong ghi lại ý kiến của các chuyên gia.

Lo doanh nghiệp lơ mơ thông tin

TS Vũ Đình Ánh

Đến nay, Việt Nam đã ký 11 FTA, cả song phương và đa phương đồng thời đang đàm phán chuẩn bị tiến tới ký kết thêm 5 FTA nữa trong thời gian tới, chưa kể một FTA giữa ASEAN - Canada đang xem xét.  Với hàng loạt các FTA được ký với các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Chile, Lào, Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á- Âu cùng các FTA khác như RCEP (ASEAN+6), ASEAN-Hongkong, Việt Nam - EFTA và đặc biệt là TPP và Việt Nam - EU, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế mở cửa rộng nhất và hội nhập sâu nhất trên thế giới thông qua các FTA.

Dù muốn hay không thì hàng chục vạn doanh nghiệp Việt Nam đều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng và nhanh hiện nay với các mức độ khác nhau tùy theo lĩnh vực hoạt động và khả năng ứng phó của mỗi doanh nghiệp trong môi trường mở cửa hội nhập. Do những hạn chế cố hữu của đại đa số doanh nghiệp Việt Nam như quy mô nhỏ, thiếu năng lực tài chính, quản lý, công nghệ lạc hậu, năng suất và sức cạnh tranh thấp nên không ít người lo ngại doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua trong hội nhập, thậm chí thua ngay trên thị trường trong nước và hàng loạt doanh nghiệp có thể lâm vào tình thế buộc phải giải thể hay phá sản trước áp lực hội nhập, đặc biệt khi tuyệt đại đa số doanh nghiệp còn “lơ mơ” về hội nhập cũng như tác động của nó.

DN phải nhanh nhạy với thị trường

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep

Nhiều DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ các FTA và TPP. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của vấn đề. Để bước ra sân chơi lớn, để nắm được các cơ hội, các DN phải nhanh nhạy với thị trường, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm xuất khẩu để không bị lúng túng trước các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn. Ngoài ra, thách thức mà DN Việt phải đối mặt chính là việc nguồn nguyên liệu. Các yếu tố đầu vào đặc biệt quan trọng như thức ăn, con giống, hóa chất, kháng sinh đều phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung của DN nước ngoài. Trong khi đó, các cơ quan quản lý chưa hoặc không kiểm soát được chất lượng dẫn đến dịch bệnh, chất lượng kém.

Hiện các DN Việt mới tận dụng được 30% ưu đãi từ FTA.

MỚI - NÓNG