Hội ngộ sau 62 năm lưu lạc

Hội ngộ sau 62 năm lưu lạc
TP - Một buổi sáng, ba vị khách lạ đột ngột gõ cửa nhà bà Phan Thị Đào (trú tại xóm 2, xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, Nghệ An). Họ nói đang đi tìm một người thân đã biệt tích 62 năm, rời quê Hưng Nguyên từ lúc 5 tháng tuổi.

Những mảnh ghép mơ hồ từ quá khứ đến hiện tại được chắp nối khiến bà Đào biết rõ thân phận của mình.

Cuộc ly hương bí ẩn

Trận đói năm 1945 càn quét qua Nghệ An, gây nên cảnh làng quê xơ xác, tiêu điều và phải mất nhiều năm sau đó cuộc sống mới lấy lại thăng bằng.

Sinh ra vào thời buổi 5 năm sau trận đói khủng khiếp, ngay từ nhỏ, Phan Thị Đào đã chịu nhiều cơ cực.

Năm tháng tuổi, theo mẹ ly hương. "Đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao mẹ tôi lại bỏ làng ra đi. Mẹ không nói, cũng chẳng ai kể cho tôi nghe!", bà Đào trầm tư.

Năm 1950, vừa sinh con gái đầu lòng được 5 tháng, bà Phan Thị Lai lặng lẽ khăn gói rời Hưng Nguyên xuống Vinh, xuôi theo quốc lộ 1A đi về Diễn Châu.

"Bà ôm con trốn chạy cơn đói? Hay đoạn tuyệt một cuộc tình duyên do cha mẹ sắp đặt?" , lý do bà Lai ly hương mãi mãi là một ẩn số.

Dừng lại trên đất Diễn Thái, hai mẹ con bà Lai dạt đến chợ Chiều và sống bằng sự cưu mang của dân kẻ chợ.

Thấy cảnh mẹ trẻ con côi, ông Phan Văn Tâm (quê Diễn Thái, huyện Diễn Châu) động lòng, bèn đưa về nhà làm vợ. Lúc đó, ông Tâm đã "hai lần đò", nhưng chưa có con. Ông Tâm khao khát một đứa con nối dõi.

Ngày ngày, chồng cày vợ cấy đồng sâu ruộng cạn, họ làm lụng nuôi con. Phan Thị Đào lớn lên, chẳng mảy may nghi ngờ về gốc tích của mình, sống những năm tháng yên bình trên đất Diễn Châu và mặc nhiên coi đó là quê cha đất tổ. Gọi ông Tâm là cha, nhưng Phan Thị Đào không mảy may biết đó là cha nuôi.

Năm Phan Thị Đào lên 7 tuổi, mẹ mất. Một thời gian sau, ông Tâm đi bước nữa, làm cuộc hôn nhân thứ tư với một người phụ nữ ở xã Hoa Thành (huyện Yên Thành) kế bên, tên là Phan Thị Lý.

Ông Tâm trở thành người đàn ông nhiều vợ nhất xã Diễn Thái. Cuộc hôn nhân này, vợ chồng ông Tâm sinh hạ được 4 đứa con (3 gái, 1 trai). Phan Thị Đào trở thành chị cả của gia đình 5 chị em.

Nhà nghèo, bỏ học năm lớp 7, Phan Thị Đào đã sớm phải quần quật ngoài đồng, trở thành xã viên HTX Tân Tiến và sau được giao làm chân quản lý nhà trẻ Diễn Thái. Thời trẻ, Đào có tiếng khỏe mạnh, xinh đẹp trong làng, nhưng rốt cuộc lận đận tình duyên.

Những cuộc tình, những hò hẹn đã theo gió bay mất. Không một lần được làm vợ, bà khát khao được làm mẹ. "Tôi suy nghĩ, dằn vặt nhiều đêm đến bật khóc.

Tôi cần có một đứa con để sau này làm chỗ dựa, anh ạ!", bà Đào tâm sự. Năm 1988, cha bà, ông Phan Văn Tâm lâm trọng bệnh, ra đi.

Hai năm sau, bà Đào bỗng sinh con trai, đặt tên là Phan Văn Quí. Thấy người phụ nữ luống tuổi không chồng mà có con, không ít kẻ dèm pha, đặt điều nói xấu bà."Tôi bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu, gắng gượng sống để nuôi con!", bà Đào nói.

Quí lớn lên, thi đậu Trường Đại học GTVT, Khoa Công trình. Một mình bà Đào với 4 sào ruộng, tự kiếm gạo nuôi mình và nuôi con ăn học. Để có tiền đóng học phí cho con và trang trải sinh hoạt hằng ngày, ngoài làm ruộng, chăn nuôi, bà còn phải gồng gánh ở chợ Chiều, Diễn Thái.

Cuộc sống cứ êm đềm trôi qua như vậy, cho đến một ngày, bà giật mình phát hiện một biến cố trong đời…

Bà Đào trong căn nhà của mình Ảnh : Quang Long
Bà Đào trong căn nhà của mình. Ảnh : Quang Long .

Từ tấm bia ghi tên người quá cố

Khi mẹ bà còn sống, thỉnh thoảng hai mẹ con khăn gói về Hưng Nguyên. "Mẹ bảo tôi, cụ tổ gốc gác ở Hưng Nguyên. Mẹ tôi chỉ cho biết như vậy chứ chẳng tiết lộ gì thêm!", bà Phan Thị Đào kể.

Những cuộc viếng thăm, đoàn tụ vội vàng với những người dân thôn quê không để lại cho bà nhiều kỷ niệm.

Đằng ngoại cũng chẳng ai mách lại chuyện quá khứ. Trong thâm tâm, trước sau bà Đào cứ đinh ninh rằng cha quê ở Diễn Châu, mẹ ở Hưng Nguyên. Bà nghĩ mình có một mái ấm gia đình trọn vẹn, không tỳ vết.

Tháng 3 năm 2012, bà Nguyễn Thị Tuấn (xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) ra Diễn Thái tìm mộ của một người chú mất ở Diễn Châu.

Trong lúc vào nghĩa trang tìm mộ chí, bà Tuấn chợt nhìn thấy tấm bia ghi tên người quá cố Phan Thị Lai quê Hưng Phú, Hưng Nguyên cùng xã với bà.

Ngờ ngợ, bà Tuấn vào làng hỏi về tung tích, nhân thân người nằm dưới mộ, mới hay đó là bà Lai, vợ của ông Nguyễn Đình Cúc đã bỏ nhà chồng đi biền biệt 62 năm nay. Khi còn sống, ông Cúc trú tại xã Hưng Khánh, gần Hưng Phú.

Trở về Hưng Nguyên, bà Tuấn đem chuyện thuật lại với anh Nguyễn Viết Lợi - người gọi bà Lai bằng dì, hộ khẩu thường trú tại phường Hưng Phúc, thành phố Vinh.

Tin này được anh Lợi báo cho hai em ruột Nguyễn Viết Đồng- Giám đốc Ngân hàng VPBank Chi nhánh Nghệ An và Nguyễn Thị Hương - Giáo viên Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên).

"Năm 1950, dì Lai ôm con nhỏ 5 tháng tuổi bỏ nhà ra đi, phía đằng nội nhiều lần cho người đi tìm nhưng không thấy. Cậu Cúc, anh trai của mẹ tôi từ ngày đó sống độc thân, không tơ vương gì đến chuyện lập gia đình!", anh Đồng kể.

Anh Nguyễn Viết Đồng nói tại Hưng Khánh không ai cho biết lý do tại sao bà Lai bỏ làng đi biền biệt và lạ lùng ở chỗ những lần đưa con gái Phan Thị Đào (bà Đào lấy họ bố nuôi) về Hưng Nguyên, bà Lai không hề đặt chân đến quê chồng ở Hưng Khánh.

Đầu tháng 4 năm 2012, Nguyễn Viết Đồng cùng anh trai, em gái phóng xe ra xã Diễn Thái tìm người thân. Dừng lại ở chợ Chiều, họ hỏi đường vào nhà bà Đào."Đào mẹ hay Đào con?", một người đang bán rau ven đường vặn hỏi. "Đào con!", anh Đồng nói.

Người bán rau tất tả cắp rổ, xăng xái men theo con đường đất dẫn vào làng. Té ra, người dẫn đường chính là bà Phan Thị Lý quê xã Hoa Thành (huyện Yên Thành), vợ thứ tư của ông Tâm - người bà Đào gọi bằng dì.

Nắng như đổ lửa, gió Lào vần vũ phả cái nóng vào hoàng hôn khi không gian chìm ngập trong câu chuyện ly biệt tái tê.

"Cha của dì tên thật là Nguyễn Đình Cúc, dì được mẹ mang đi khỏi xã Hưng Khánh khi vừa tròn 5 tháng tuổi…", anh Nguyễn Viết Lợi kể cho bà Phan Thị Đào nghe chính câu chuyện của mình.

Lần đầu tiên nghe kể lai lịch, quá khứ 62 năm về trước, bà Đào hết sức sửng sốt. Bà lặng lẽ khóc khi cánh cửa bí ẩn khép chặt hành trình 62 năm lưu lạc bỗng nhiên mở toang.

Vĩ thanh

"Cảm giác đầu tiên của tôi là buồn chán. Tôi cứ ngỡ mình có một mái ấm trọn vẹn với người mẹ tảo tần, người cha rất mực thương yêu, nhưng số phận đã không êm đềm như vậy!", ném cái nhìn ra khoảng sân vắng lặng, bà Phan Thị Đào trầm tư.

Bà nói, mẹ con bà vẫn sẽ mang họ Phan- họ của ông Phan Văn Tâm, bố nuôi. "Trong những năm sống trên đất Diễn Châu, cuộc sống dù nghèo nhưng bố dành hết tình thương yêu cho tôi, dù rằng tôi không phải là con đẻ!".

"Dường như, trong họa có phúc! Giờ đây, mẹ con tôi biết về quê nội, thêm chị thêm em!", bà Phan Thị Đào tiếp chuyện. Chủ nhật vừa rồi, bà và con trai Phan Văn Quí bắt xe ôm vào Vinh, lên Hưng Nguyên nhận họ hàng. Cuộc đoàn tụ chứa chan nụ cười, nước mắt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG