Hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể không bàn vấn đề giải giáp hạt nhân

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều có thể không bàn vấn đề giải giáp hạt nhân
TPO - Sáng 27/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc gặp lịch sử tại Khu phi quân sự (DMZ) song vấn đề loại bỏ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể không nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp trực tiếp này.

Các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Moon có thể chỉ đơn thuần sử dụng cuộc gặp thượng đỉnh này để thiết lập lòng tin và bình thường hóa các quan hệ liên Triều. Thay vào đó, chi tiết xung quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể sẽ được ông Kim để dành cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo nhiều nhà chiến lược, mục đích thực sự của cuộc gặp liên Triều này là thiết lập nền tảng cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới.

Những điểm chính từ Hội nghị thượng đỉnh Moon-Kim

Chuyên gia cao cấp về nghiên cứu vấn đề Triều Tiên đồng thời là Giám đốc Chương trình chính sách Mỹ-Triều tại Hội đồng đối ngoại Scott Snyder chú thích rằng, các mục đích chính của Tổng thống Moon trong cuộc gặp lịch sử lần này là tạo ra sự ủng hộ của công chúng trong nước đối với mối quan hệ ấm hơn với Triều Tiên và bình thường hóa đối thoại trên Bán đảo Triều Tiên trong tương lai

Khi tới Nhà Hòa Bình thuộc DMZ trên phần lãnh thổ Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đã viết vào cuốn lưu niệm rằng “Lịch sử mới bắt đầu từ đây”.

Theo Giám đốc trung tâm quản lý xung đột toàn cầu thuộc Đại học Ewha của Hàn Quốc Jasper Kim, “thành công của cuộc gặp này số một là thiết lập lòng tin, số hai là một chương trình nghị sự liên quan nhiều vấn đề”.

Giáo sư Jasper Kim nêu rõ, hai nhà lãnh đạo Hàn, Triều đều đến từ những nền văn hóa tương đồng vì vậy phong cách giao tiếp của họ là phi tuyến tính hơn. Họ có thể bàn về nhiều loại chủ đề không có ý nghĩa đối với các khán giả phương Tây, song lại thực sự bao quanh vấn đề lòng tin.

Hai miền Triều Tiên dự kiến ký tuyên bố chung tại phiên bế mạc cuộc gặp vào chiều cùng ngày. Dư luận sẽ chú ý tới những lời lẽ cũng như cam kết tiềm tàng mà ông Kim có thể đưa ra liên quan tới các vấn đề hợp tác liên Triều, như đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, cũng như chính sách hạt nhân.

Theo dự đoán của Giáo sư Jasper Kim, “những gì mà chúng ta đang trông đợi là một tuyên bố trên diện rộng sau cuộc đàm phán thượng đỉnh liên Triều. Nó sẽ giống như một trang tuyên bố rất ngắn gọn”. Thỏa thuận này sau đó có thể được nâng lên cấp độ tiếp theo tại cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim. Tại đây, các chi tiết về phi hạt nhân hóa sẽ được thảo luận.

Ông Kim có thể để dành đàm phán hạt nhân với ông Trump

Chuyên gia Snyder nêu rõ: “Triều Tiên có truyền thống dành riêng phi hạt nhân hóa như một vấn đề độc quyền với Mỹ. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc có thể ủng hộ đối thoại về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên nhưng có thể không bao giờ dẫn tới một cuộc đối thoại như vậy”.

 Nhiều người cảnh báo, việc đưa ra vấn đề phức tạp như vậy trong một hội nghị thượng đỉnh, đặc biệt là chi tiết như đạt tới định nghĩa “phi hạt nhân hóa” được tất cả các bên chấp nhân và tìm ra cách xác minh điều này, vẫn không khả thi.

Trước đó, Tổng thống Trump đã đặc biệt vạch rõ phi hạt nhân hóa là Bình Nhưỡng phải từ bỏ các vũ khí sát thương. Tuy nhiên, Triều Tiên nhiều năm qua vẫn kiên quyết rằng nước này chỉ có thể nhất trí với điều đó nếu Washington hoàn thành những điều kiện nhất định, như chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Hàn Quốc.

Theo ông Thomas Hubbard – cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc đồng thời là nhà thương thuyết chính của một thỏa thuận năm 1994 nhằm chấm dứt chương trình vũ khí của Triều Tiên, ông Kim Jong-un nhiều khả năng không khẳng định với ông Moon hay ông Trump rằng ông sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Habbard phán đoán, thay vao đó, các hội nghị thượng đỉnh như vậy sẽ nhằm bắt đầu một tiến trình mà cuối cùng sẽ dẫn tới hướng phi hạt nhân hóa.

MỚI - NÓNG