Hội nghị ASEAN sẽ gây sức ép với Trung Quốc

Cảnh sát Philippines đứng trước banner của người dân nước này phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Ảnh: Philstar
Cảnh sát Philippines đứng trước banner của người dân nước này phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Ảnh: Philstar
TP - Việc Trung Quốc bồi đắp, cải tạo trái phép ở biển Đông dự kiến vấp phải áp lực lớn từ ASEAN và đối tác tại các hội nghị liên quan trong tuần này. Trong khi đó, Trung Quốc muốn tránh đề cập vấn đề biển đảo.

Hôm qua, AP dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, tranh chấp trên biển sẽ là trọng tâm thảo luận trong các cuộc họp của ASEAN và các đối tác, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (khai mạc ngày 4/8 tại Malaysia).

“Các nước ASEAN, cũng như chúng tôi, đều quan ngại về quy mô, mức độ, tốc độ và ý nghĩa thực sự của hoạt động cải tạo của Trung Quốc”, vị quan chức Mỹ nói.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN cùng các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác. Đây là cơ hội để ASEAN và các nước “nói thẳng với Trung Quốc” về những quan ngại của họ, vị quan chức nhận định.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, các quan chức cao cấp ASEAN và các nước đối tác đã trao đổi và thống nhất sơ bộ những nội dung dự kiến được các bộ trưởng thảo luận trong những ngày tới, đề xuất một số kiến nghị về những nội dung quan trọng để các bộ trưởng ngoại giao ASEAN và các nước đối tác xem xét, quyết định. Theo đó, nổi lên một số nội dung trọng tâm, trong đó có việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC)...

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cuối tuần trước nói với báo giới rằng, các cuộc đối thoại giữa ASEAN với Trung Quốc về COC đã đạt được “tiến triển quan trọng”. Tuy nhiên, tuyên bố này của ông Aman có vẻ trái ngược với ý kiến của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario. Tháng trước, ông Rosario nói trước phiên tòa tại Hague (Hà Lan) rằng, Bắc Kinh mấy năm nay luôn cản trở việc hoàn tất COC.

“Sự ngoan cố của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán đa phương suốt 13 năm qua khiến mục tiêu đó gần như không thể đạt được”, báo Philippines Philstar dẫn lời ông Rosario nói trước Tòa án trọng tài quốc tế.

Các nhà phân tích cũng đồng ý rằng, Bắc Kinh luôn tìm cách kéo dài quá trình này để tăng cường hiện diện ở khu vực tranh chấp. “Lãnh đạo Trung Quốc sẽ không ký, hoặc nếu có ký cũng sẽ không chấp hành COC vì việc áp dụng COC sẽ thực sự cản trở việc Trung Quốc tự do làm điều họ muốn”, AP dẫn lời nhà nghiên cứu về Đông Nam Á Donald Emmerson tại ĐH Stanford (Mỹ).

Trung Quốc muốn tránh nói về biển Đông

Hôm qua, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng, tranh chấp ở biển Đông không nên được thảo luận tại hội nghị của ASEAN. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lưu trả lời phỏng vấn trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN rằng, các hội nghị của ASEAN nên “tránh nói về vấn đề nhạy cảm”, và rằng các nước bên ngoài ASEAN “không nên can thiệp”. “Vấn đề đó không nên được thảo luận. Đây là diễn đàn của hợp tác. Nếu Mỹ nêu vấn đề đó, chúng tôi tất nhiên sẽ phản đối. Chúng tôi hy vọng họ sẽ không làm vậy”, ông Lưu nói.

Khi tranh chấp chủ quyền biển đảo đang trở thành điểm nóng nhất, có nguy cơ gây xung đột quân sự ở châu Á, Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý lập đường dây nóng giữa các ngoại trưởng để xử lý các tình huống khẩn cấp ở biển Đông. Ông Lưu cho rằng, đường dây nóng là cơ chế “hữu ích”, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể nào cho việc thiết lập.

Từ ngày 2 đến 3/8, Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN, giữa ASEAN với các nước đối tác diễn ra tại Malaysia nhằm trù bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN với các nước đối tác, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, từ ngày 4/8 tại Malaysia, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN sẽ tập trung thảo luận biện pháp thúc đẩy tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là việc thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị, An ninh ASEAN trong bối cảnh thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Đồng thời cải tiến, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN; xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm ASEAN trong cấu trúc khu vực, trong đó có các biện pháp triển khai hiệu quả những cam kết mà ASEAN đã thỏa thuận với các đối tác.

MỚI - NÓNG