Hơi gái

Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp
TP - Trần Tử Lâm ở huyện Hương Sơn vốn là một người học giỏi có tiếng, ngay lần thi đại học đầu tiên đã đỗ cao tót vời, ai nấy đều nhìn Lâm ngưỡng mộ. Nhưng thật là oái oăm, Lâm sinh ra không gặp thời, dù tốt nghiệp đại học loại giỏi nhưng ra trường chả có cơ quan nào nhận vào làm.
Minh họa: Đỗ Hiệp
Minh họa: Đỗ Hiệp.

Lang thang làm đủ nghề, xin việc đủ nơi không được, Lâm quyết định ăn chơi chốn thị thành một trận cho thỏa thích rồi sau đó xé ngay tấm bằng đại học, về quê lấy đít trâu làm thước ngắm. Ừ thì đi cày đấy, làm ruộng đấy, xem có chết ai không? Lâm nghĩ vậy.

Tử Lâm tìm đến quán Lôi Đình, quán vốn là chốn ăn chơi có tiếng ở đất Hà Thành. Mới vào đến quán, Tử Lâm phủi đít thượng lên ghế bành giả da, chân bắt chéo, miệng phì phèo điếu thuốc, nhìn cô phục vụ bằng nửa con ngươi trái rồi gọi ngay đồ ăn thức uống, thêm mấy em chân dài. Khi rượu đã ba chén, trong người đã thấy tàng tàng say, chân tay rồi tứ chi thêm phần ngứa ngáy, Tử Lâm gọi bà chủ quán ra nói:

- Tôi cần một đào vầy, chân dài, nây nở, hơi thở nhẹ và có thêm nghề kể chuyện.

Nghe Tử Lâm đề nghị, nhìn dáng người nho nhã thư sinh của Tử Lâm, bà chủ quán ái ngại, gặng hỏi:

- Chả hay quý khách đang có chuyện chi buồn bực mà lại tìm đến đây? Nói thật, nhìn tướng mạo của quý khách là người sang quý, không hợp với chốn này.

Nghe hỏi vậy lại đang rượu tàng tàng, lòng đang buồn ngổn ngang, Tử Lâm thổ lộ hết với bà chủ quán về nỗi đoạn trường của mình, nghe xong bà chủ quán e dè nói:

- Tôi mở quán đã lâu năm, thỉnh thoảng cũng gặp một số người sinh bất phùng thời cũng tìm đến đây như quý khách để giải sầu, qua nhiều lần nghiệm ra thì thấy, hễ quý khách nào được cô Huệ Lan chiều chuộng là đương nhiên sau đó mọi xúi quẩy đều tan biến, đường hoạn lộ hanh thông, trồng cây cây cho trái, nuôi gái gái cho con, sòn sòn ba năm một bực lương, bốn năm một cấp chức.

Quả thật nói ra quý khách không thể tin, vì điều này khó giải thích, chỉ thấy sự việc như thế nên nói với quý khách vậy thôi, thích thì thử, không thì chân dài ở đây cũng không thiếu.

Nghe bà chủ quán nói vậy, Tử Lâm suy nghĩ thêm một lúc rồi gục gặc cái đầu, rồi lại gật gù cái đầu, trong lòng lóe lên tia hy vọng. Hay ta thử thêm một lần nữa, biết đâu vận may sẽ đến. Nghĩ vậy nên Tử Lâm nói với chủ quán:

- Thế thì tối nay bà cho tôi cô Huệ Lan vậy.

Bà chủ quán ngập ngừng nói:

- Quý khách còn trẻ, lại nho nhã thanh tao thế này, chỉ hiềm cô Huệ Lan so với quý khách thì không xứng, năm nay cô ấy đã bốn mươi xuân. Làm cái nghề này bốn mươi coi như đã nghỉ hưu được rồi.

Tử Lâm thấy thất vọng, đã tính ăn chơi một trận cho thỏa thích, vậy thì ăn phải ăn ngon, chơi phải gái đẹp chân dài, mất tiền vào đây ai lại đi chơi gái đã… về hưu. Nhưng nghĩ đi rồi nghĩ lại, đây không phải là thưởng thức nữa mà đang đi tìm vận may, cũng giống như ốm đau thì uống thuốc vậy, thuốc có ngon bao giờ. Nghĩ vậy nên Tử Lâm quả quyết.

Thế là đêm ấy làm một trận mây mưa với cô Huệ Lan.

Quả như bà chủ quán nói, chỉ tuần sau đã có một cơ quan cho người về tận Hương Sơn mời Tử Lâm ra Hà Thành làm việc. Chẳng những có việc làm mà Tử Lâm còn được sắp xếp vào đúng công việc chuyên môn mình đã học vì vậy mọi công việc cấp trên giao cho Tử Lâm đều làm trôi chảy cả, ai cũng đánh giá Tử Lâm có năng lực, nhiệt tình, tính tình cởi mở và sức khoẻ tốt nên đường hoạn lộ sẽ rất hanh thông.

Ai cũng nghĩ vậy nhưng đi làm đã hơn mười năm mà Tử Lâm vẫn chỉ là anh nhân viên quèn. Trong khi đó bạn bè đồng nghiệp có người trình độ yếu kém, tuổi tác, sức khỏe, nhiệt tình đều thua xa Tử Lâm vậy mà cứ bấm còi vượt mặt Tử Lâm ào ào đến ngứa mắt.

Nhớ lại chuyện cách đó mười năm, Tử Lâm đánh bạo tìm đến quán Lôi Đình, nhắc lại danh tính của mình cho bà chủ quán và đề nghị được gặp Huệ Lan. Bà chủ quán rầu rầu:

- Huệ Lan đã trên năm mươi tuổi, làm cái nghề này ai mà trụ được đến cái tuổi năm mươi, sau lần với quý khách, Huệ Lan đã xin về quê mở cái quán nước nhỏ ở thôn Trung Phụng sống qua ngày.

Nghe vậy Tử Lâm buồn lắm, chả lẽ không còn cách gì để leo lên được cái chức trưởng phòng? Trên đường về cơ quan, cái tên Huệ Lan với thôn Trung Phụng cứ vang lên mãi trong đầu Tử Lâm. Suy nghĩ chỉ đạo việc làm, khi xe dừng lại thì Tử Lâm đã nhận ra quán nước đầu thôn Trung Phụng và ngồi sau cái bàn thấp nghèo hèn là một bà già tóc đã bạc gần hết, nhưng dù gì Tử Lâm vẫn còn nhận ra đó chính là Huệ Lan. Khách nhớ người bán, chứ người bán thì làm sao mà nhớ được khách. Sau khi chén trà đã vơi, Tử Lâm nhắc lại chuyện ngày xưa, Huệ Lan không tỏ vẻ gì nói:

- Xin lỗi, tôi đã chôn cái quá khứ đó lâu rồi nên không còn nhớ được chuyện gì nữa đâu.

- Nhưng chả lẽ cái lần cuối cùng để giải nghệ Huệ Lan cũng không nhớ?

- Không nhớ.

- Thật không nhớ?

- Thật không nhớ - Huệ Lan quả quyết đáp.

- Nhưng tôi thì luôn nhớ và cảm ơn Huệ Lan vì sau lần đó tôi đã có việc làm.

- Thế thì chúc mừng ông, nhưng tôi không dám nhận cái ơn đó, tôi là người bán hàng, có khách mua hàng thì tôi bán, thuận mua vừa bán vậy thôi. Tuy nhiên quý khách đã có lòng nhớ đến, tôi cảm ơn, tôi đã gặp không ít khách khi chăn gối thì mặn nồng thề thốt và tôn trọng lắm, nhưng khi có người thứ ba, họ nhổ cả nước miếng vào mặt tôi mà khinh bỉ.

- Thế gian trăm vạn người trăm vạn tính cách. Tôi cũng đã qua với trăm ngàn cô gái nhưng với Huệ Lan thì tôi luôn nhớ.

- Một lần nữa cảm ơn quý khách. Nhưng xin hỏi, quý khách trở lại tìm tôi có việc gì?

Trong mười năm dù chỉ là một nhân viên quèn nhưng mỗi lần được mời và những lần mời bạn bè đi chiêu đãi, Tử Lâm đã quen nhìn, quen ôm ấp và được những cô gái mơn mởn non tơ chiều chuộng. Giờ nhìn lại Huệ Lan, Tử Lâm bỗng rùng mình. Trước mặt Tử Lâm là bà già Huệ Lan chứ nào đâu có phải cô Huệ Lan tạm tạm của ngày xưa ở quán Lôi Đình.

Nhưng cũng như lần trước, có bệnh thì uống thuốc, cái chức trưởng phòng hấp dẫn lắm, không những trưởng phòng mà không biết chừng còn lên cao nữa. Ban đầu Huệ Lan không đồng ý, nhưng Tử Lâm tha thiết quá, tha thiết đến mức còn quỳ sụp xuống trước mặt Huệ Lan mà xin được một lần ân huệ cuối.

Như có phép thần, một tuần sau cơ quan có thay đổi nhân sự, giám đốc đến tuổi hưu, trưởng phòng của Tử Lâm leo lên chức giám đốc, và đương nhiên Tử Lâm được bổ nhiệm lên làm trưởng phòng.

Rồi như mũi tên đã bật ra khỏi nỏ, sau một thời gian Tử Lâm được bổ nhiệm lên cao tót vời là tổng giám đốc. Quyền hành nghiêng trời lệch đất, tiền bạc trong túi rủng rỉnh, ra vào xe ngựa xênh xang, ăn chơi ngút trời mây gió, gái gú váy ngắn chân dài. Có tiền, có quyền, Tử Lâm ăn chơi cho bõ những giây phút miễn cưỡng gượng gạo phải hạ mình ngủ với cô điếm hết thời Huệ Lan.

Nhưng rồi việc gì đến thì nó phải đến, của kho có hạn, sắp có đợt thanh tra, lần thanh tra này không còn đùa được nữa, đoàn từ tận trung ương về. Khi Tử Lâm giật mình thì đã muộn. Có bệnh thì vái tứ phương, sau nhiều ngày chạy đến cửa các quan nhỏ, quan lớn để gõ không được - chẳng ai dại gì mà giúp Tử Lâm trong thời đoạn này, cả nước đang ra sức chống tham ô tham nhũng, giúp Tử Lâm đồng nghĩa đưa mình vào cửa tử - Không còn cách nào khác, Tử Lâm lại nhớ đến Huệ Lan và lại vội phóng xe về thôn Trung Phụng.

Nhưng về đến chỗ quán xưa thì thấy cảnh đìu hiu, quán nước xưa có bà già Huệ Lan ngồi dưới gốc cây hoàng lan bây giờ không con ai nữa. Tử Lâm quáng quàng hỏi thăm tin tức Huệ Lan, quáng quàng hỏi nhưng ai cũng lắc đầu…

*

* *

Sáng hôm sau, người làng Trung Phụng thấy một chiếc xe hòm của công an tìm về làng mình, họ lùng sục một lúc trong làng không thấy, bỗng có một đứa trẻ chăn trâu mách:

- Sáng nay cháu đi chăn trâu, thấy một người lạ ở ngoài nghĩa địa.

- Trông người ấy thế nào?

- Cao, to, tướng mạo như người thành thị.

Không đợi đồng chí đội trưởng gật đầu, chiếc xe hòm nổ máy phóng ngay ra nghĩa địa. Đến nơi, họ xuống xe, nhìn quanh quất rồi tất cả đều ngạc nhiên khi thấy một người đàn ông trần như nhộng đang nằm sấp nhấp nhô trên ngôi mộ mới.

Truyện ngắn của Nguyễn Thế Hùng

Hơi gái ảnh 2
Nguyễn Thế Hùng rất có duyên với giải thưởng. Các giải thưởng của anh có những diện mạo rất khác nhau, với những tác phẩm rất khác nhau về nội dung và phong cách.

Sinh năm 1972, viết nhiều, nhà văn quê Hương Sơn - Hà Tĩnh, hiện làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội này hiện đã tới được độ đằm của người và của nghề. Hơi gái là một truyện như thế. Nó vừa thực vừa như một truyện hồ ly tinh được pha rất nhuyễn. Truyện vừa dễ đọc, dễ kể, lại vừa có hơi hám ám ảnh kích thích dục tính và rờn rợn khó nắm bắt và đương nhiên, không thể kể lại được.

Sở hữu 4 tập truyện ngắn và một tiểu thuyết, xem ra năng lượng của Nguyễn Thế Hùng còn dồi dào. Anh nghĩ về nghề văn mộc mạc: Tốt nhất là lặng lẽ viết được gì thì viết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG