Bánh xe thứ 5 của một cỗ xe
Tại hội thảo Hội đồng trường (HĐT) - khâu đột phá trong việc thực hiện tự chủ ĐH được Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức chức hôm qua, 20/4, theo số liệu mà Hiệp hội đưa ra, thì có một thực tế đang diễn ra tại Việt Nam.
Trong tổng số 169 cơ sở Giáo dục ĐH công lập do các Bộ, ngành quản lý thì mới có 58 cơ sở có HĐT, chiếm 34.2%. 111 cơ sở chưa có HĐT trường, chiếm 65.6%. Trong tổng số 33 trường CĐ sư phạm, mới 3 trường có HĐT.
Trong khi đó, theo GS. Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội thì nhiều trường trong số những trường đã thành lập HĐT, thì vai trò của HĐT hết sức mờ nhạt. Có trường đưa trưởng khoa, trưởng bộ môn nào đó lên làm chủ tịch HĐT, có trường thì là lãnh đạo Ban giám hiệu hết nhiệm kỳ thì sang làm chủ tịch HĐT.
GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết cho đến năm 2010, cả nước chỉ có khoảng 10 trường ĐH có HĐT.
“Qua khảo sát của chúng tôi ở một số trường ĐH, hầu hết các trường trong đó có trường đã thành lập HĐT gần 5 năm và các trường chưa có HĐT đều xem HĐT mang tính hình thức và không có tác dụng.
Một chủ tịch HĐT đã ví HĐT như bánh xe thứ 5 của một cỗ xe” – GS. Lâm Quang Thiệp cho hay.
Cũng theo GS. Lâm Quang Thiệp, một số ý kiến từ ĐH QGTPHCM cho thấy tác dụng của hội đồng ĐHQG chỉ giới hạn như hội đồng tư vấn, mọi quyền quyết định nằm trong tay ban giám đốc.
Vai trò của hội đồng trường hết sức mờ nhạt.
Chủ tịch HĐT đều là người trong trường và về mặt quyền lực thường ở cấp dưới của hiệu trưởng. Vì thế HĐT trở thành mờ nhạt, không có tiếng nói so với Ban giám hiệu.
GS. Lâm Quang Thiệp khẳng định chỉ có một trường duy nhất là ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng hoạt động của HĐT là có hiệu quả. Ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, Chủ tịch HĐT là người ngoài trường. Còn ở các trường khác, chủ tịch HĐT đều là người trong trường và về mặt quyền lực trong nhà trường thường ở cấp dưới của hiệu trưởng.
PGS. TS Lê Minh Thắng, Chủ tịch HĐT trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết nhìn chung cơ cấu tổ chức của HĐT tại Việt Nam bám sát những gì đã quy định trong Luật giáo dục ĐH và Điều lệ trường ĐH, không có nhiều điểm cụ thể nội bật.
“Chủ tịch HĐT của nhiều trường ĐH kiêm nhiệm các chức vụ quản lý khác trong bộ máy của nhà trường, thuộc sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nên có thể ảnh hướng đến việc điều hành của HĐT. Chủ tịch HĐT thành lập lần đầu do Hiệu trưởng tổ chức nên chưa thu hút được những cán bộ có đủ tầm vào vị trí Chủ tịch. Vì thế HĐT trở thành mờ nhạt so với Ban giám hiệu” – PGS. Lê Minh Thắng cho hay.
HĐT chưa xong – sao mơ tự chủ?
Theo lộ trình của Chính phủ, thời gian tới, các trường ĐH của Việt Nam đều tự chủ.
Tuy nhiên, theo GS. Phạm Phụ, HĐT gắn liền với tự chủ ĐH. Vấn đề Tự chủ ĐH, GS. Phạm Phụ cho biết có 7 nội dung nhưng từ trước đến nay, các trường của Việt Nam chỉ quan tâm mỗi vấn đề tài chính.
“Quá trình thực hiện tự chủ đại học thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực mà lâu nay phần lớn tập trung ở cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng. Mà quyền lực luôn là điều ham muốn của mọi người. Vì vậy, nếu không “thể chế hóa” chức năng và các mối quan hệ thì khó lòng mà thực hiện tự chủ ĐH” – GS. Phạm Phụ nói.
GS. Trần Hồng Quân cũng cho rằng khi bản thân HĐT không được thành lập trên con đường dân chủ thì làm sao nó đại diện cho tiếng nói thực hiện quyền lực.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, cho rằng, với điều kiện nước ta hiện nay thì chưa nên thành lập đại trà HĐT ở tất cả các trường đại học.
HĐT chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện như: Đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình, đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản.