Hội đồng trường: Con 'hổ giấy'... èo uột

0:00 / 0:00
0:00
TPO - GS.TSKH Bùi Văn Ga nhìn nhận quyền lực của Hội đồng trường còn rất hạn chế, hoạt động còn mang tính hình thức, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội rất mờ nhạt. 

Hội thảo khoa học “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”, do Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức sáng 21/4 tại TPHCM.

Tự chủ đại học còn... vướng luật

Hội đồng trường: Con 'hổ giấy'... èo uột ảnh 1

GS.TSKH Bùi Văn Ga nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

GS.TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận tuy Luật GDĐH đã quy định rất rõ quyền lực của Hội đồng trường nhưng trong thực tế quyền lực của Hội đồng trường còn rất hạn chế. Hoạt động ở nhiều trường còn mang tính hình thức; trách nhiệm giải trình và trách nhiệm xã hội rất mờ nhạt. Trong khi đó cơ quan chủ quản còn can thiệp vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của các cơ sở GDĐH.

Nhắc đến việc nhiều trường đại học ở TPHCM khuyết hiệu trưởng trong thời gian dài và chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng phải nghiên cứu lại cơ chế quy định việc bổ nhiệm hiệu trưởng, hội đồng trường, xem vướng ở đâu để có chủ trương, chính sách phù hợp. “Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì các trường không thể thực hiện được các mục tiêu mà mình đề ra”, ông Ga nhìn nhận.

“Ở Đà Nẵng có trường hợp một lãnh đạo sở ngành đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng trường ở 3-4 trường khác nhau, nên không có thời gian nghiên cứu tài liệu để góp ý”, ông Ga cho hay và đề nghị cần điều chỉnh quy định liên quan.

Theo ông Ga, trong khi trường đại học vẫn còn cơ quan chủ quản như hiện nay thì phương án tốt nhất là nhất thể hóa theo mô hình như các ĐHQG để tránh sự chồng lấn và xung đột trong vai trò của Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng trường và Bí thư Đảng ủy.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) nhìn nhận TCĐH ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức rất rõ. Không ngoại lệ, dù được quy định rất cao, thế nhưng ĐHQG TPHCM gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện. Bà Lan cho hay, theo chiến lược phát triển, ĐHQG TPHCM sẽ là đô thị đại học đầu tiên, thế nhưng do vướng mắc công tác về các văn bản các luật nên hiện nay chưa ra được diện mạo quốc gia. Mặt khác, ở quy định về nguồn nhân lực, vừa rồi Nghị định 50 cũng tác động đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư.

Hội đồng trường: Con 'hổ giấy'... èo uột ảnh 2

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan: TCĐH ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức.

Ngoài ra, trong khi chính sách về nguồn nhân lực chưa thu hút được thì lại có những chính sách khác tác động. “Hiện ĐHQG TPHCM có những nỗ lực trong thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực nhằm thực hiện chiến lược quốc gia của mình nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc”, PGS.TS Phương Lan nói.

Để "tự chủ" đi vào cuộc sống

Hội đồng trường: Con 'hổ giấy'... èo uột ảnh 3

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa trao đổi tại hội thảo.

TS. Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết tại Việt Nam, nội dung (tự chủ đại học) TCĐH đã được đề cập đến trong văn bản pháp quy tương đối sớm. Tuy nhiên, phải đến khi ban hành Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 thì tinh thần TCĐH mới được quán triệt và thể hiện xuyên suốt trong các quy định của luật; đồng thời cơ chế thực hiện TCĐH được quy định trong luật còn chưa đủ chi tiết dẫn đến lúng túng khi triển khai thực hiện.

TS. Hoa cho rằng TCĐH là một chủ trương lớn, được coi là chính sách, giải pháp đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH theo tinh thần Nghị quyết 29. Việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học thời gian qua đã có tác động tích cực tới hệ thống GDĐH trong thực hiện sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao gắn với phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống GDĐH có nhiều chuyển biến, thay đổi phù hợp với việc đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong khuôn khổ pháp luật quy định. Công tác quản trị của các trường đại học có nhiều đổi mới theo hướng kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, đổi mới mô hình và tối ưu hóa hoạt động...

Nêu kiến nghị, TS. Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị nghiên cứu xác định mô hình TCĐH phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đồng bộ và minh bạch hóa hệ thống quy phạm pháp luật về tự chủ đại học. “Tự chủ đại học có thực sự đi vào cuộc sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào các quy định có tính rõ ràng, tường minh và khả thi của luật và hệ thống văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành”, TS. Hoa ý kiến và cho rằng trước hết cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật GDĐH sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và có hiệu quả nhất, bảo đảm chính sách, pháp luật về tự chủ phải đồng bộ và cụ thể.

Hội đồng trường: Con 'hổ giấy'... èo uột ảnh 4

Lãnh đạo các cơ quan Trung ương và chuyên gia trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng

MỚI - NÓNG