Hội đồng quân nhân được thành lập ở cơ quan, đơn vị nào?

TPO - Bộ Quốc phòng vừa ban hành Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quân nhân trong QĐND Việt Nam, gồm 6 chương, 24 điều, có hiệu lực thi hành từ 15/1/2019.
Ảnh: Nguyễn Minh

Theo đó, Hội đồng quân nhân là tổ chức đại diện cho quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng; được thành lập ở cơ quan, đơn vị; do đại hội quân nhân bầu ra để thực hiện phát huy dân chủ về quân sự - chuyên môn, chính trị, kinh tế - đời sống ở cơ quan, đơn vị.

Hội đồng quân nhân tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, được đại hội quân nhân bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín; nội dung, chương trình hoạt động, quyết định của Hội đồng quân nhân được dân chủ thảo luận và biểu quyết theo đa số. Hội đồng quân nhân ban hành quy chế làm việc, phân công các ủy viên đảm nhiệm từng mặt công tác.

Hội đồng quân nhân được thành lập ở các cơ quan, đơn vị: Đại đội; tiểu đoàn bộ; đồn biên phòng; đội cảnh sát biển; hải đội biên phòng; tiểu khu biên phòng; trạm cảnh sát biển; tiểu đoàn tên lửa phòng không; phi đội không quân; khối cơ quan lữ đoàn, trung đoàn, đoàn cảnh sát biển, ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị tương đương.

Cấp phòng của cơ quan sư đoàn, bộ tư lệnh vùng (Hải quân và Cảnh sát biển), bộ chỉ huy quân sự, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố và đơn vị tương đương; khối cơ quan sư đoàn khung thường trực; trung đoàn khung thường trực và đơn vị tương đương.

Cấp cục và tương đương. Lớp học, đại đội học viên, khoa, ban, phòng và tương đương của học viện, nhà trường, trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện. Các tổng kho, kho, trạm, xưởng, khối cơ quan doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Cơ quan, đơn vị còn lại, căn cứ vào tổ chức biên chế, nhiệm vụ và tính chất hoạt động của từng đơn vị để thành lập Hội đồng quân nhân cho phù hợp theo quy định.

Cơ quan, đơn vị không thành lập Hội đồng quân nhân gồm: Cơ quan, đơn vị có quân số dưới 10 người; các đơn vị sự nghiệp công lập ở cơ sở.

Thành phần Hội đồng quân nhân gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn đều có thể tham gia ứng cử ủy viên Hội đồng quân nhân.

Một trong những nhiệm vụ của Hội đồng quân nhân là tuyên truyền, vận động quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Hội đồng quân nhân có chức năng: Căn cứ vào nghị quyết cấp ủy, chi bộ, kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên (bí thư); tình hình nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị để hướng dẫn và tổ chức cho quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng thực hiện và phát huy dân chủ trên các mặt quân sự - chuyên môn, chính trị, kinh tế - đời sống.

Hội đồng quân nhân có các nhiệm vụ như: Tuyên truyền, vận động quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, quy định, nhiệm vụ của Quân đội và đơn vị; Xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị; Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và tham gia tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho quân nhân, công chức, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng trong cơ quan đơn vị; Tham gia giám sát và phản biện xã hội theo phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn…

Thông tư cũng quy định, Đại hội quân nhân được tổ chức 5 năm 2 lần. Trong trường hợp hết nhiệm kỳ mà chưa có điều kiện tiến hành đại hội thì Hội đồng quân nhân phải báo cáo cấp ủy, chi bộ kéo dài nhiệm kỳ nhưng không quá 3 tháng.