Hội chứng thép

Hội chứng thép
TP - Chuyện các doanh nghiệp thép trong nước “lại gặp khó” có lẽ không lạ, không mới, và phần nào không quan trọng đối với công chúng. Vì nghĩ một cách đơn giản, thép tồn, thép ế thì người dân có nhu cầu xây dựng được lợi vì giá hạ.

> Vật liệu ế ẩm, nhà thầu điêu đứng
> Ngành thép: Dư cung vẫn "bội thực" dự án mới

Nhưng nếu nghĩ rằng trong các thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), có không ít doanh nghiệp lớn, dù là cổ phần mà nhà nước nắm quyền chi phối thì đó cũng là những sản nghiệp hình thành từ tiền thuế của người dân, vấn đề sẽ trở nên đáng lưu tâm.

Không những vậy, trong khi nước ta là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển, nhu cầu thép cho xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn mà ngành thép liên tục khó khăn, lao đao và có nguy cơ phá sản rất lớn thì chắc chắn không còn là chuyện của riêng ngành thép.

Gần đây, chúng ta đã chứng kiến những đợt tăng giá các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm, thịt mà nguyên nhân là trong nước không chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu hay đầu tư nước ngoài nên chăn nuôi không có lãi.

Nói như vậy để thấy, phát triển các ngành hàng trong nước có năng lực sản xuất để hạn chế sự phụ thuộc hàng nhập khẩu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô là yêu cầu tất yếu. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra với ngành thép đang khiến những người hiểu chuyện e ngại.

Theo báo cáo của VSA, trong sáu tháng đầu năm nay, sản lượng thép xây dựng là 2,6 triệu tấn, tiêu thụ hơn 2,4 triệu tấn. Có nghĩa là dư thừa. Năm 2009, tổng sản lượng thép sản xuất của Việt Nam đạt hơn 7 triệu tấn dù lượng thép tiêu thụ trong nước chỉ ở mức 4 triệu tấn, sản lượng xuất khẩu không đáng kể, ngành thép dư thừa khoảng hơn 2 triệu tấn.

Ngay trong năm 2010, đã có những dự báo về khủng hoảng thừa của ngành thép nhưng cũng trong năm ấy, đã có ít nhất 3 dự án thép lớn ở Lào Cai, Thái Nguyên hay dự án của Vinashin đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, thừa thì thừa mà thiếu vẫn thiếu. Cung thép xây dựng đã vượt cầu nhưng các dự án thép mới xây dựng hoặc sắp đi vào hoạt động vẫn có định hướng sản xuất loại thép này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng, thép chế tạo, thép không gỉ… rất lớn thì chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất được.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng của Việt Nam khoảng 3 triệu tấn/năm, tổng khối lượng các loại thép trên cần nhập khẩu khoảng 5 triệu tấn/năm và Việt Nam vẫn nhập khẩu 100%.

Một trong những lý do các doanh nghiệp “ưu ái” mảng thép xây dựng là yêu cầu về công nghệ thấp hơn. Thêm vào đó, việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư về cho các địa phương lại càng khiến ngành thép phát triển ồ ạt theo phong trào, manh mún, theo lời một lãnh đạo của VSA.

Vì quá phụ thuộc vào thị trường thép xây dựng mà khi chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về cắt giảm đầu tư công, hạn chế đầu tư bất động sản, hãm lại nguồn vốn của các dự án không phục vụ cho sản xuất sản phẩm hàng hóa… việc tiêu thụ thép trong nước lập tức có vấn đề.

Khó khăn cũ của ngành thép có thể còn trầm trọng hơn khi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và ASEAN vào Việt Nam được bán với giá thấp hơn từ 500-700 ngàn đồng/tấn so với thép nội. Theo VSA, năm 2010, ngành thép xuất khẩu được 1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tới 7 tỷ USD.

Bài học về xi măng lò đứng, tuy xảy ra khá lâu rồi, dường như đang lặp lại với các xưởng luyện thép trong nước.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.