> Khởi tố vụ ‘hôi bia’ tại Đồng Nai
> Công an điều tra vụ 'hôi bia' tại Đồng Nai
Trước giờ chỉ thấy bạn chê Hà Nội, nào dịch vụ kém, con người lạnh lùng, gì cũng không bằng lòng, chê từ sô giải trí truyền hình chê đi trong khi chỉ việc xem miễn phí. Sài Gòn của bạn hàng hóa muốn gì có đó, người nào việc nấy và đều có vẻ biết thân biết phận chứ không như Hà Nội từ ông bê phở, ông trông xe máy cũng mang vẻ mặt “đầu thai nhầm thế kỷ” (ông chỉ làm tạm ở đây thôi, chỗ của ông phải ngon hơn cơ).
Lái xe và người giúp việc nhà bạn càng biết thân biết phận hơn. Dễ sống là thế. Nhưng rồi trong khi bạn mải cầu nguyện ở nhà thờ, kẻ trộm mở túi thó mất điện thoại di động. Cầu nguyện xong mở mắt ra, túi vẫn đó song điện thoại không còn. Tôi giễu: “Nó tha không chặt tay là may lắm rồi”. Ở Hà Nội, con gái tôi có mấy chiếc vòng, lắc bằng vàng rất đẹp- quà sinh nhật của mọi người mà chả bao giờ dám đeo ra đường kể cả ngày Tết.
Một du khách nước ngoài, trong khi trả lời phỏng vấn của phóng viên về vụ bê bối hôi bia ở Biên Hòa vừa qua, phát biểu thêm: “Tôi quá sợ nạn giật túi ở Sài Gòn”.
Nào lễ hội, đường hoa, trang hoàng đón Noel, đón Tết, đủ thứ sự kiện rình rang quanh năm, mà an ninh như thế thì mong hòng gì phát triển du lịch. Cô hay cậu sinh viên chăng băng rôn phản đối những kẻ hôi bia đã hành động phải nói là rất “Tây”, bức xúc thì phải căng biểu ngữ tỏ thái độ ngay, thế còn với nạn kẻ cắp như rươi, cướp đường cướp chợ giữa thanh thiên bạch nhật bây giờ, cả xã hội bó tay?
2/ Vào google gõ “hôi bia, cướp bia”, thấy hiện ra nhiều vụ na ná, xa nhất là một vụ cách đây 6 năm, bia cướp được có ít hơn hôm 4/12 vừa rồi song tinh thần thì cũng thế. Hóa ra đã có hẳn hội chứng hôi bia nói riêng, hôi của nói chung.
Xem ảnh vụ ở Biên Hòa, thấy có kẻ chất được những 6 két lên xe máy. Kẻ thì cười hỉ hả đúng kiểu “ăn mày vớ được của”, kẻ thì nom hì hụi căng thẳng (chắc vì mải lèn sao cho nhiều và thoát nhanh khỏi hiện trường). Ông lái xe kể cũng nền tính, lẽ ra phải xông đến cướp lại tí nào hay tí ấy, tiện tay táng cho những kẻ cướp ngày này một trận chứ. Lại còn xông hẳn lên xe tải để cướp cho nó nguyên đai nguyên kiện, không cam lòng nhặt nhạnh dưới đường!
Báo đưa chuyện người nọ tâm sự “xấu hổ, nhục nhã” vì trót cướp bia trước mặt con, đứa con này buồn thiu hỏi mẹ trên đường chở chiến lợi phẩm về nhà “Nhà mình có ai uống bia đâu mà mẹ lấy”. Bạn đọc ào ào bình luận: “xấu hổ thì đã không làm”, “nhục nhã thì đền cho người ta đi”… Từ bao giờ, nói suông, đầu môi chót lưỡi cũng là căn bệnh xã hội lan tràn khắp thôn quê kẻ chợ.
Nghe nói công an đã bước đầu đưa những kẻ hôi của vào tầm ngắm. Sự tự trọng đã không có, sự giáo dục tử tế đã không thấm được, thì biện pháp mạnh cho “trắng mắt” là điều cần làm bây giờ, để răn đe. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến một lần đi đường gặp người bị nạn, đã cùng vợ là bác sĩ tìm cách sơ cứu rồi chở nạn nhân đến bệnh viện.
Có một người đàn ông sốt sắng giúp vợ chồng anh. Lo liệu xong xuôi, báo tin cho người nhà nạn nhân đến, cuối cùng bị hỏi rằng người nhà tôi có đeo chiếc nhẫn hai chỉ, sao giờ không thấy. Anh Tiến tức điên vì bị nghi ngờ, đến nỗi phải ngồi viết thành truyện ngắn, in trong tập “Người cha buôn hàng chuyến” vừa ra mắt. Anh nói cho đến nay anh vẫn không hiểu có chuyện nạn nhân mất nhẫn thật không và người lấy liệu có phải cái ông hết sức tử tế ngồi sau xe máy đỡ nạn nhân để anh cầm lái không.
Cho nên, giữa đường thấy sự bất bằng lờ đi, thấy người bị nạn ngoảnh mặt vô cảm, “cho nó lành”.
Vào một ngày cách đây không lâu, trên đường Lê Duẩn đoạn công viên Thống Nhất tôi thấy có người mẹ trẻ ngồi vật bên đường ôm đứa con nhỏ. Đứa này không hiểu có chuyện gì mà thấy rất đông người đi đường dừng xe máy, mỗi người cho vài chục. Tiền bay như bươm bướm. Đông đến nỗi tôi không dừng lại bởi sợ tắc đường.
Vẫn còn đó lòng trắc ẩn, lòng tin, vẫn còn những người sẵn sàng nuôi con người khác, như câu chuyện một doanh nghiệp nhận nuôi 5 đứa trẻ bơ vơ ở Đồng Nai (do mẹ nghèo bỏ con, mà báo chí vừa đăng). Những chuyện đó chỉ có thể làm dịu lại chứ không thể vơi bớt sự nặng nề của những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều đến sợ.