Học trực tiếp ở Hà Nội: Đa dạng cách thức dạy học, phòng dịch

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh lớp 9 tại huyện Ba Vì, Hà Nội trong ngày đầu tựu trườngẢnh: Trọng Tài
Học sinh lớp 9 tại huyện Ba Vì, Hà Nội trong ngày đầu tựu trườngẢnh: Trọng Tài
TP - Sau 6 tháng tạm dừng đến trường để phòng dịch, hôm qua (8/11), học sinh khối 9 các trường ở huyện Ba Vì, Hà Nội tựu trường. Các trường có cách thức tổ chức dạy học, phòng dịch khác nhau.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, công tác phòng dịch tại các Trường THCS Đông Quang, THCS Thái Hòa, THCS Phong Vân được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Từ sáng sớm, học sinh háo hức đi xe đạp tới trường. Từ cổng trường, lực lượng y tế đo thân nhiệt học sinh; đoàn viên thanh niên hướng dẫn các em vào lớp, không tiếp xúc người khác và sát khuẩn tay. Khi học sinh vào lớp, giáo viên chủ nhiệm đo thân nhiệt các em một lần nữa để ghi vào sổ theo dõi nhiệt độ hằng ngày. Sĩ số học sinh lớp 9 ở các trường THCS tại huyện Ba Vì thấp, có lớp chỉ 30 em, lớp đông nhất là 44 em. Các trường không tổ chức hoạt động tập trung; tổ chức chào cờ đầu tuần ngay trong lớp học. Trong ngày đầu đi học trực tiếp, học sinh chỉ học 1 buổi/ngày.

Trường THCS Đông Quang chỉ có 2 lớp 9 với 59 học sinh nên trường bố trí 2 lớp ở hai tầng riêng biệt. Ngôi trường nhỏ có cổng chính, cổng phụ, ngày đầu đều mở để học sinh đi cả hai cổng. Trong khi đó, Trường THCS Thái Hòa chấp nhận chia đôi lớp, bố trí thêm giáo viên. Những ngày đầu, giáo viên chấp nhận vất vả, sáng dạy trực tiếp, chiều dạy trực tuyến cho học sinh khối 6, 7, 8. Trường THCS Phong Vân có 3 lớp 9 dăng dây, vạch lối để học sinh các lớp đi riêng.

Hiệu trưởng Trường THCS Đông Quang, ông Nguyễn Thành Hưng, cho biết, trước khi học sinh đi học, nhà trường đã họp phụ huynh và 100% đồng ý cho con tựu trường. Các khối lớp khác tuy học sinh chưa được đi học nhưng tất cả phụ huynh cũng mong muốn con sớm được đến trường học trực tiếp. Tất cả học sinh đã có thiết bị học trực tuyến, có tới 70% em học bằng điện thoại nên khó đảm bảo hiệu quả. “Học trực tuyến kéo dài sẽ tác động đến tâm lý học sinh. Cũng có em nói rằng, không muốn giao tiếp với bạn bè khi trở lại. Do đó, nhà trường xác định, thầy cô giáo chủ nhiệm, cán bộ tư vấn tâm lý có vai trò hỗ trợ, động viên học sinh trong giai đoạn này”, ông Hưng nói.

Bà Phùng Thị Thanh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Hòa, cho biết, ngày đầu chỉ có khối 9 được tới trường nên công tác tổ chức dạy học khá thuận lợi. Lớp không quá đông nhưng trường vẫn tách đôi, mỗi lớp sử dụng một khu vệ sinh riêng biệt, học sinh không tiếp xúc với lớp khác. Cán bộ y tế túc trực để phòng các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. “Điều giáo viên lo lắng nhất là khi học sinh đi học, một số phụ huynh, người nhà từ vùng dịch trở về tiếp xúc và lây lan dịch, trường không kiểm soát được”, bà Hường nói.

Chán học trực tuyến

Kiểm tra một giờ học của học sinh Trường THCS Thái Hòa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, đặt câu hỏi: “Các con thấy học trực tuyến thời gian qua có ổn không?”. Lập tức, cả lớp đồng thanh trả lời: “Không ạ”. Một số học sinh nói nguyên nhân chính gồm chất lượng đường truyền, khó hiểu bài…

Hoàng Văn Tình, lớp 9B Trường THCS Phong Vân, nói rằng, được đến trường học trực tiếp em rất vui, háo hức vì được gặp lại bạn bè, thầy cô. Quan trọng nhất, học trực tiếp, em thoát cảnh cắm mặt vào điện thoại. “Thông thường, mỗi ngày em học trực tuyến cả ngày, trong đó sáng học theo thời khóa biểu của trường từ 8-11 giờ trưa; buổi chiều lại có lịch học thêm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh vì năm nay có kỳ thi vượt cấp. Trong khi học trực tuyến, mạng trục trặc, em học bằng điện thoại lâu rất đau mỏi mắt”, Tình nói.

Trần Ngọc Anh, lớp trưởng lớp 9A1 Trường THCS Đồng Quang, chia sẻ, sau nửa năm không được đến trường, em háo hức đến mức 5 giờ sáng đã dậy chuẩn bị chờ đến lớp. “Em thích học trực tiếp vì có gì băn khoăn sẽ trao đổi với thầy cô; Học trực tuyến, việc trao đổi khó khăn hơn. Chưa kể, em học bằng điện thoại, máy lại hay hết pin, nhiều lần phải vừa sạc vừa học, máy nóng lên, rất sợ”, Ngọc Anh nói. Chủ nhiệm lớp 9A1, cô giáo Trần Thị Thanh Hường, nói rằng, các bài kiểm tra đánh giá thường xuyên sau thời gian học trực tuyến cho thấy, các em chỉ nắm được kiến thức khoảng 70-80%. “Khi đi học trực tiếp, giáo viên giám sát, biết học sinh nắm bài đến đâu để có sự hỗ trợ tại chỗ, điều mà học trực tuyến khó có thể làm được”, cô Hường nói.

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT Ba Vì, cho biết, ngày đầu có 109 lớp, tổng số 3.955 học sinh tựu trường. Chỉ có một trường THCS học sinh tiếp tục học trực tuyến do trên địa bàn có ca nghi mắc COVID-19.

Về kế hoạch Hà Nội tiếp tục mở cổng trường, ông Tiến khẳng định, ban đầu chọn huyện Ba Vì và chỉ cho khối 9 đi học vì đây là huyện “vùng xanh”. Nếu việc dạy học trực tiếp trong 1-2 tuần ổn định, Hà Nội sẽ dần cho học sinh các khối lớp khác, trường khác đi học.

Huyện đầu tiên ở miền Tây cho học sinh trở lại trường

Ngày 8/11, học sinh khối lớp 9 và 12 ở huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang trở lại trường sau thời gian dài nghỉ dịch COVID-19. Đây là huyện đầu tiên ở miền Tây cho học sinh học trực tiếp trở lại. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, nói: “Tất cả thầy cô tham gia giảng dạy trực tiếp đều xét nghiệm âm tính, tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Thầy cô từ các huyện khác đến công tác đều được bố trí ở nội trú. Ngoài ra, thầy cô dạy trực tiếp tại trường có camera quay lại để em nào không đến lớp vẫn có thể học trực tuyến tại nhà như trước đây. Bảo đảm 100% học sinh được học”. Theo thống kê, tính đến chiều 8/11 có 82% học sinh đến lớp, 18% còn lại đa số các em ở các tỉnh khác chưa về kịp hoặc đang trong khu cách ly y tế… Tổng số học sinh khối lớp 9 và 12 của huyện là 863 em, chia làm 24 lớp. Mỗi lớp được nhà trường bố trí từ 20-24 học sinh.NHẬT HUY

MỚI - NÓNG