Học sinh trung học chi tiền triệu chụp ảnh kỷ yếu

Học sinh tốt nghiệp năm 2017 ở Nam Định hóa thành các nhân vật phim hành động trong bộ ảnh kỷ yếu chia tay thời áo trắng. Ảnh: NVCC
Học sinh tốt nghiệp năm 2017 ở Nam Định hóa thành các nhân vật phim hành động trong bộ ảnh kỷ yếu chia tay thời áo trắng. Ảnh: NVCC
Xin 950 nghìn cho buổi chụp kỷ yếu, Hồng bị bố mẹ từ chối. Biết số tiền lớn nhưng em không dám ý kiến vì "không muốn thành dị biệt".

Mùa hè đến, bên cạnh việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, học sinh lớp 12 còn một mối bận tâm khác là chụp ảnh kỷ yếu, lưu giữ những giây phút cuối cùng bên nhau bằng bộ ảnh nghệ thuật.

Ngọc ở Việt Trì (Phú Thọ) cùng cả lớp đã chụp xong kỷ yếu, đang hồi hộp chờ ảnh. Lớp em chọn gói 309 nghìn đồng một người từ một studio ở Việt Trì, chụp ở 4 điểm quanh thành phố gồm trường, sân tennis, chợ trung tâm và quán cà phê. Gói chụp bao gồm chi phí áo dài với nữ, áo vest với nam, áo cử nhân, quần đùi, áo phông trắng đồng phục, hỗ trợ đi lại trong vòng 15 km và chụp bằng flycam.

Là nữ, Ngọc phải chi thêm 200 nghìn đồng tiền trang điểm, làm tóc và một số tiền kha khá để mua áo phông, chân váy, giày thể thao phục vụ những ý tưởng đã đề ra. Tổng chi phí trên dưới một triệu đồng, tùy sự chuẩn bị của từng người. Ai trong lớp cũng "đầu tư lớn" vì rất háo hức có một bộ ảnh đẹp làm kỷ niệm.

"Chúng em lên ý tưởng, hỏi ý kiến thầy cô và hội phụ huynh. Mọi người đều đồng ý. Hội còn tài trợ cho chúng em gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, sau buổi kỷ yếu, em thấy gói chụp hơi đắt, việc di chuyển bốn địa điểm trong một ngày chưa phù hợp. Nếu có lần sau, em nghĩ cần tính toán kỹ hơn", Ngọc chia sẻ.

Hồng, học sinh lớp 12 ở trường huyện của tỉnh Thanh Hóa, vừa háo hức, vừa lo lắng vì không biết xin đâu được 950 nghìn chi phí cho bộ kỷ yếu. Dự kiến em và các bạn sẽ chụp ở ba địa điểm, trong đó có biển Sầm Sơn. Ngoài chi phí thuê thợ và đi lại, em cần có thêm tiền trang điểm, mua quần áo.

"Bố mẹ không cho vì bảo số tiền đó tương đương với tạ rưỡi thóc, xin chị gái thế nào cũng bị mắng", Hồng chia sẻ. Cuối cùng em vẫn phải xin chị vì "cả lớp đều theo, em không muốn thành dị biệt".

Ủng hộ chụp ảnh kỷ yếu vì đó là khoảng thời gian vui vẻ, xóa đi mọi căng thẳng trong những ngày ôn thi cuối cùng của thời trung học, tuy nhiên Phượng (chị gái Hồng) cho rằng buổi chụp ảnh thành công phải làm sao ý nghĩa và vui vẻ, thay vì phải chịu một gánh nặng tiền bạc lớn.

"Nhiều học sinh thích chụp ảnh kỷ yếu chỉ để sống ảo, đăng hết lên Facebook rồi cũng không để làm gì. Như vậy, liệu chụp ảnh kỷ yếu còn giữ được giá trị cốt lõi của nó", chị Phượng đặt câu hỏi và nhận định sinh viên đại học chi một triệu đồng còn xót, huống hồ học sinh lớp 12 chưa kiếm ra tiền.

Cách đây 10 năm, kỷ niệm tuổi học trò lưu giữ bằng những cuốn lưu bút, những lời chúc thi tốt, cùng phấn đấu vào đại học và một vài tấm ảnh đầy đủ thành viên trong lớp. Nó đơn giản và khiến chị Phượng thấy hạnh phúc. Biết so sánh là khập khiễng, song chị vẫn thắc mắc tại sao học sinh bây giờ đầu tư nhiều thế, tại sao giáo viên không góp ý để có một buổi kỷ yếu vui vẻ và tiết kiệm.

Chị Xuân ở huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) cũng giật mình khi em trai xin bố mẹ 500 nghìn chụp ảnh kỷ yếu. Hôm 30/4, cả lớp thuê xe cùng một nhóm thợ rồi chuẩn bị quần áo kéo nhau lên Hà Nội chụp ảnh đến 10h30 tối mới về.

"Em tôi là con trai nên chỉ phải chi số tiền bằng nửa bạn nữ. Nhưng 500 nghìn thực sự lớn với bố mẹ làm nông, cao hơn học phí cả tháng", chị Xuân nói và cho rằng trong kỷ yếu, nam sinh chỉ cần mặc áo trắng, quần sẫm màu, nữ sinh thuê áo dài, chụp những tấm ảnh đẹp gắn liền với ngôi trường đang học là đã rất đẹp và ý nghĩa.

Tốt nghiệp đại học cách đây hai năm, khi trào lưu chụp ảnh kỷ yếu nở rộ, chị Xuân và các bạn cùng lớp không chi số tiền lớn cho việc chụp ảnh. Cả lớp tập trung tại trường trong một buổi sáng và các thành viên tự chụp cho nhau. Chi phí đáng kể duy nhất là tiền thuê áo dài.

Học sinh trung học chi tiền triệu chụp ảnh kỷ yếu ảnh 1 Học sinh một lớp ở Hà Nội rủ nhau lên Sa Pa (Lào Cai) để du lịch kết hợp chụp ảnh kỷ yếu trong trang phục của dân tộc H'mông. Ảnh chụp năm 2017.

Là thợ ảnh chuyên chụp kỷ yếu tại Hà Nội, Nguyễn Văn đánh giá học sinh trung học đầu tư kỷ yếu nhiều hơn sinh viên, ý tưởng độc đáo hơn. Theo bảng giá studio Văn đang làm việc, có ba gói chụp cho học sinh: 189, 279 và 395 nghìn đồng một người. Gói cao nhất đã bao gồm trang điểm và làm tóc cho nữ.

Về thuê áo dài, nếu chọn áo cũ, loại chỉ có một tà thì thấp nhất là 70 nghìn; loại đẹp hơn có thể lên tới 250 nghìn. Thông thường, buổi chụp sẽ diễn ra ở ba địa điểm, không có gói nào chỉ chụp nguyên ở trường.

"Học sinh giờ rất coi trọng việc chụp kỷ yếu. Studio ở Hà Nội nhưng chúng tôi nhận được nhiều hợp đồng từ các tỉnh. Các em sẵn sàng chịu thêm chi phí đi lại cho bên cung cấp dịch vụ, dao động từ 1 đến 3 triệu đồng", Văn chia sẻ.

Theo quan sát của thợ ảnh này, thầy cô đều rất ủng hộ việc chụp kỷ yếu và thường tham gia chụp cùng các em ở trường. Một số thầy cô có thể theo chân học sinh đến tất cả địa điểm trong gói chụp.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG