Học sinh tìm cách tự tử trong sân trường, hiệu trưởng lo ngay ngáy

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh nữ sinh TPHCM lơ lửng trên tầng cao mới đây khiến những người chứng kiến hốt hoảng. (Ảnh: Zing.vn)
Hình ảnh nữ sinh TPHCM lơ lửng trên tầng cao mới đây khiến những người chứng kiến hốt hoảng. (Ảnh: Zing.vn)
TPO - Theo hiệu trưởng ở các trường phổ thông, những vụ tự tử vẫn xảy ra ở trường học thì sẽ đặt ra cho người đứng đầu nhà trường một thách thức rất lớn, rất khổ tâm.

Vài ngày trước đây, một nữ sinh lớp 6 treo người lơ lửng trên tầng cao của Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) khiến nhiều người chứng kiến hoảng loạn. Rất may nữ sinh được cứu kịp thời.

Vào thời điểm trên, một nữ sinh mặc đồng phục Trường THCS Minh Đức đu trên thành tường lan can ở lầu cao nhất của trường. May mắn, có người xuất hiện kịp thời, chộp tay kéo nữ sinh này vào trong, thoát khỏi nguy hiểm.

Phía đại diện Trường này cũng xác nhận vụ việc nữ sinh lớp 6 treo lơ lửng trên tầng cao nhất của trường. Nữ sinh này trước đó có buồn chuyện gia đình, nảy sinh ý định dại dột.

Trước đó, vào tháng 12/2020, nữ sinh lớp 10 ở An Giang được cho là uống thuốc tự tử vì uất ức trong xử lý vi phạm của nhà trường. Mẹ của nữ sinh này chia sẻ, con gái mình bị uất ức do bị nhà trường xử lý vi phạm quy chế, mà nguyên nhân là do Y. không tham gia học phụ đạo do trường tổ chức có thu phí. Phía nhà trường thừa nhận có sai sót. 

Cũng trong năm 2018, hàng loạt vụ tự tử xảy ra tương tự như: Nam sinh lớp 10 để lại thư tuyệt mệnh rồi nhảy lầu tự tử; Nữ sinh lớp 11 tự tử để lại 5 bức thư tuyệt mệnh; …đều là những vụ đau xót xảy ra trong trường học mà nguyên nhân từ áp lực trong học tập.

Chuyên gia tâm lý chỉ ra nguyên nhân

Theo các chuyên gia tâm lý, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm, tự tử ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Ngoài ra, do mâu thuẫn xảy ra trong gia đình, do áp lực thiếu cảm thông của một vài thầy cô giáo...dẫn đến người trẻ hành động dại dột như vậy.

Theo PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), số liệu nghiên cứu từ trường Đại học Giáo dục cho thấy, có đến 50% các vấn đề về sức khỏe tinh thần bắt đầu từ lứa tuổi vị thành niên.

Ông Nam chỉ ra, ngoài các nguyên nhân trên còn do các bạn trẻ hiện nay ngày càng dành nhiều thời gian cho điện thoại thông minh, mạng xã hội và game online nên ít có thời gian dành cho bạn bè, người thân và các mối quan hệ thực sự có ý nghĩa.

Học sinh tự tử, trăm dâu đổ đầu... hiệu trưởng?

Nói về vấn đề học sinh quên sinh, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, chúng ta nhìn nhận thực tế cuộc sống ngày nay, công nghệ số đang ảnh hưởng đến người trẻ. Và hầu hết các em đều có mart-phone ở nhà cũng như ở trường.

Mặt khác, giới trẻ du nhập cuộc sống bên ngoài nhiều qua công nghệ, không phải du nhập qua nền tảng đạo đức của gia đình. Sự chia sẻ của một đứa trẻ từ sự ấm áp của gia đình không được chỉn chu như thế hệ của cha mẹ chúng.

Cũng theo thầy Phú, thế hệ trẻ ngày hôm nay phát triển nhiều hơn suy nghĩ của người lớn về nó. Do đó, có một thực tế, trong tuổi trẻ học đường, nhiều em bộc phát tình cảm lớn hơn lứa tuổi. Các em hành xử hiện nay táo bạo hơn do ảnh hưởng của phim ảnh, ảnh hưởng game, tác động rất lớn mà chính phụ huynh cũng không biết được.

Vị hiệu trưởng cho rằng, việc học sinh tự tử luôn là ngoài ý muốn của nhà trường. Thầy cô không đẩy cho học sinh ngã xuống. Vấn đề là chúng ta “tầm soát” được những học sinh này không? Muốn vậy, thầy cô phải quan sát trong từng buổi học để biết có em nào buồn hay có vấn đề tâm lý nào đó?

Theo thầy Phú, những vụ tự tử vẫn xảy ra ở trường học thì sẽ đặt ra cho người đứng đầu nhà trường một thách thức rất lớn, rất khổ tâm. Vì khi có sự cố xảy ra thì “trăm dâu đổ đầu tằm’.

“Không chỉ gia đình có chuyện buồn mà thực tế rõ ràng, như hiện nay vẫn có hiện tượng nhà trường gây ức chế cho học sinh. Nhà trường phải thay đổi quan điểm, không thể như trước được nữa”- thầy Phú nói.

Theo thầy Phú, để không có những vụ tự tử ở trường thì công tác quản lý học sinh phải thực sự sát sao. Tuy nhiên, vấn đề này đòi hỏi phải có con người để làm công việc quản lý học sinh. Nhưng vị trí này không có trong danh mục hay chức danh nghề nghiệp hiện tại.

“Điều này các ban ngành, Bộ GD&ĐT cần phải nhìn thấy được. Đây là vị trí cần phải có ở mỗi nhà trường nhưng nếu tiền ngân sách thì không thể có để trả cho được”- thầy Phú nhấn mạnh.

Thầy Phú chỉ ra thực tế, mỗi lớp có tới 40- 50 học sinh thì giáo viên không thể làm công tác “bảo mẫu” đối với học sinh cấp 2, cấp 3 trong khi công việc chính là giảng dạy. Giáo viên không thể vừa dạy, vừa quản lý học sinh hay tham vấn tâm lý cho các em được.

“Theo tôi, cần phải xã hội hóa giáo dục bằng cách cho phụ huynh đóng góp. Quỹ phụ huynh này để chi cho việc thuê thêm người quản lý học sinh, mở thêm các trung tâm tư vấn học đường. Đặc biệt, quỹ phụ huynh phải chi các câu lạc bộ thực sự chất lượng cho học sinh. Qua đó, nhân lên những hành động và năng lượng tích cực. Có như vậy, sẽ giảm thiểu tối đa những vụ tự tử của học sinh như bây giờ”- thầy Phú nói.

MỚI - NÓNG