Học sinh “ngồi nhầm lớp”: Do... thông tư?

Những vở học của những học sinh "ngồi nhầm lớp"
Những vở học của những học sinh "ngồi nhầm lớp"
TPO - Theo TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội), tình trạng "ngồi nhầm lớp" là biểu hiện thiếu trung thực trong ngành giáo dục. Việc đánh giá nhà trường, thầy cô dựa vào thành tích của học sinh là sai lầm.

Gần đây, câu chuyện về học sinh S đã lên lớp 6 (Trường THCS Lê Duẩn, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, Gia Lai) nhưng khả năng đọc viết còn rất chậm. Theo giáo viên giải thích vì tình thương, sợ em bỏ học nên “tạo điều kiện” để cho học sinh này lên lớp.

Theo thông tin phản ánh, em S đã lên lớp 6 nhưng đọc viết còn chưa sõi. Khi quan sát vở em của S, hầu như không có bài nào được ghi trọn vẹn và chữ cũng không thể đọc ra. Các bài học em S chỉ ghi được tên bài sau đó gạch sang bài khác…

Theo gia đình và nhà trường xác nhận, em S bị thiểu năng (chậm hiểu), nhưng đây mới chỉ là suy đoán chứ chưa có giấy tờ nào xác nhận về tình trạng bệnh của em.

Nếu không thay đổi, sẽ còn nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”

Là người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục tiểu học, TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho biết, bà không cảm thấy ngạc nhiên, vì hiện tượng học sinh lớp 6 chưa nói sõi mà vẫn được lên lớp.

Bà Hương cho rằng, mỗi đứa trẻ có khả năng cũng như năng lực riêng. Vì thế, những em năng lực tập trung kém hơn so với bạn khác nhưng không có nghĩa là đứa trẻ đó sẽ gây hại cho xã hội hơn những bạn tiếp thu nhanh.

“Vì thế, việc thông tư của Bộ G&ĐT quy định học sinh không được lưu ban quá hai lần trong một cấp học không hợp lý, cần phải thay đổi. Vì nếu không thay đổi thì sẽ còn nhiều trường hợp ngồi nhầm lớp nữa”- bà Hương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hương, thông tư Bộ quy định này còn nguy hiểm ở chỗ, với nhiều trường hợp ngồi nhầm lớp được đưa ra, xã hội dễ đánh giá đây là chất lượng của ngành giáo dục, gây mất lòng tin cho ngành.

Theo đánh giá của bà Hương, lỗi này không phải xuất phát từ phía gia đình và nhà trường mà xuất phát từ chính những cách đánh giá, quy định này của Bộ GD&ĐT. Nền giáo dục hiện tại đánh giá giáo viên, nhà trường bằng thành tích của học sinh nên khi bị áp lực, họ ép buộc đứa trẻ lên lớp, dù cháu chưa đủ khả năng.

Bà Hương đưa ra thực tế, hiện tại có trường được đánh giá chất lượng của trường qua tỉ lệ trường có bao nhiêu phần trăm học sinh lên lớp, bao nhiêu học sinh giỏi, học sinh khá: “Chính vì thành tích, chạy thi đua các trường với nhau dẫn đến các trường “biến tấu” những chỉ tiêu này. Như thế, vô tình chung, các trường tự triệt tiêu số học sinh lưu ban đi”- bà Hương nói.

Hãy cho các em có quyền lưu ban

Câu chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp” ở Gia Lai không còn là câu chuyện cá biệt. Trước đây, câu chuyện của gia đình ở Sóc Trăng dấy lên dư luận về hiện tượng "ngồi nhầm lớp", bệnh thành tích trong giáo dục tồn tại nhiều năm nay. Hay trường hợp 8 học sinh lớp 3 Trường tiểu học Lê Hồng Phong (phường 3, TP Sóc Trăng) cũng chưa biết đọc, viết.

Huyện Trần Đề của tỉnh này cũng có vài học sinh tiểu học được cha mẹ xin cho con học lại lớp 1 vì các em không đọc thông, viết thạo.

Là chủ nhiệm nhiều lớp học trong nhiều năm liền,, cô Thùy Linh, một giáo viên trường THCS ở Hà Nội cho rằng, câu chuyện về tình trạng học sinh học không đạt nhưng cha mẹ vẫn "chạy" cho con lên lớp, nhà trường ép học sinh lên lớp vẫn có.

Cô Linh cho rằng, thực tế ở trường cô, cũng nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”. Có học sinh lớp 6 vẫn chưa viết thạo. Có học sinh lớp 8 nhưng nhiều môn không biết gì.

“Theo quy định, học sinh học lực kém (có môn dưới 2,0) thì lưu ban. Tuy nhiên, nhiều khi áp lực thành tích từ trên xuống, nhà trường không để lưu ban, cho học sinh thi lại. Nếu thi lại cô cho chép bài, đề thi dễ thì học sinh lại lên lớp được”- cô Linh cho hay.

Cô Linh cho rằng, ở lớp cô hiện tại có khoảng 9 học sinh học yếu, không đáp ứng được việc tiếp thu bài, nhiều môn không biết gì chứ đừng nói đến đạt 2 điểm nhưng vẫn… tằng tằng lên lớp.

“Việc không cho các em quyền được lưu ban quá hai lần trong cấp học dẫn đến việc thầy cô tìm cách ép trẻ học cho... ra thành tích và thi bao giờ cho qua thì thôi. Nếu thành tích yếu thì cố gắng lên trung bình, trung bình thì “biến tấu” thành khá”- cô Linh nói.

Hiện tượng "ngồi nhầm lớp" rõ ràng là hậu quả của bệnh thành tích trong trường học. Trên ép xuống trường, ban giám hiệu ép giáo viên dẫn đến giáo viên ép học sinh...lên lớp"- Cô Linh thẳng thắn nêu quan điểm. 

Ngoài ra, theo cô Linh, việc đánh giá giáo viên, nhà trường dựa vào thành tích của học sinh là không chính xác và mang nhiều hệ lụy. Mặt khác, nếu các em kém thì các em cần được lưu ban để các em học đúng với khả năng tiếp thu của mình.

TS Vũ Thu Hương cho rằng, không biết Bộ GD&ĐT dựa vào tiêu chí nào mà đưa ra quy định học sinh không được lưu ban quá hai lần trên một cấp học.

"Học sinh có quyền lưu ban nếu học yếu. Hãy đánh giá học sinh qua sự tiến bộ của trẻ chứ không phải vì chỉ tiêu, vì thành tích mà nhà trường vô hình chung đẩy thành tích của học sinh lên cao hơn"- bà Hương nói.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.