Học sinh chuyên biệt thiếu trầm trọng kỹ năng sống

"Chương trình giáo dục học sinh chuyên biệt chủ yếu cung cấp kiến thức nhưng lại thiếu các kỹ năng cần thiết để các em sống tự lập sau khi ra trường", hiệu trưởng trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Hà Thanh Vân, nói.

Tại buổi hội nghị về giáo dục chuyên biệt được tổ chức ngày 2/10 tại Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM, bà Vân cho biết, hiện nay tất cả học sinh chuyên biệt, trong đó có nhiều em bị dị tật khác nhau, đều phải học một chương trình do Bộ Giáo dục - Đào tạo thiết kế, bất kể tình trạng, khả năng học tập và độ tuổi của các em.

Trong đó cón có nhiều trẻ đa khuyết tật hoặc vừa bị khuyết tật lại vừa bị kém khả năng tiếp thu nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc bắt kịp chương trình. 

Đặc biệt, chương trình học của Bộ hiện nay phần lớn trang bị kiến thức hơn là kỹ năng sống. Vì thế, nhiều trẻ sau khi hoàn thành chương trình không học tiếp lên bậc trung học hoặc CĐ, ĐH phải quay về với gia đình và không thể tự lo cho bản thân được, kể cả sinh hoạt cá nhân.

"Trong khi đó mục đích chính của giáo dục chuyên biệt là giúp các em có thể tự lập, tự lo được cho bản thân", bà Vân nói.

Học sinh chuyên biệt thiếu trầm trọng kỹ năng sống ảnh 1

Học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đang được giáo viên hướng dẫn sử dụng các vật dụng cần thiết. Ảnh: Nguyễn Loan.

Theo bà Vân, mỗi trường chuyên biệt cần phải tìm ra cho mình một chương trình và phương pháp phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau. Lấy ví dụ về "Chương trình chuyển tiếp" từ nhà trường về gia đình cho trẻ khuyết tật, bà Vân cho rằng học sinh chuyên biệt sẽ được trang bị những kỹ năng cơ bản như tự phục vụ bản thân, lau dọn nhà cửa, nấu cơm; làm được những nghề đơn giản như giặt ủi, massage; tự định hướng đi lại.

Chia sẻ về kinh nghiệm giáo dục trẻ hòa nhập, bà Bùi Thị Kim Loan - Hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Thơ (quận 7) - cho biết, sau khi tiếp nhận, trường đã tìm hiểu nhu cầu, năng lực của từng em và xây dựng mục tiêu giáo dục cá nhân cho từng em. 

Trẻ khuyết tật được tham gia sinh hoạt với các bạn bình thường. Mỗi ngày những học sinh này được giáo viên hỗ trợ riêng tại phòng can thiệp sớm và trong từng giờ học. Những kỹ năng sốg đơn giản như thay đồ, rửa mặt, xúc ăn, mang giày dép... đều được giáo viên huấn luyện ngay tại trường.

Chia sẻ khó khăn, ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở Giáo dục TP HCM cũng cho rằng hiện nay Bộ Giáo dục chưa ban hành quy chế riêng cho các trường chuyên biệt nên trường vẫn phải dạy trẻ khuyết tật từ chương trình phổ thông. 

Đại diện Sở cho biết thêm, việc xác định độ tuổi để ra trường cho học sinh khuyết tật nặng cũng chưa có sự thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Quy mô lớp, nghĩa vụ giảng dạy của giáo viên cũng chưa được xác định cụ thể.

Về chất lượng của chương trình, ông Đạt cho rằng, một trong những tồn tại lớn của giáo dục chuyên biệt hiện nay là không thống nhất ở các trường và hiệu quả chưa cao. Công tác hướng nghiệp và kỹ năng sống cho học sinh ở nhiều trường còn gặp khó khăn. Trong khi đó, số lượng học sinh chuyên biệt đang ngày càng tăng.

Phó giám đốc Sở hứa sẽ kiến nghị lên Bộ Giáo dục về việc ban hành sách giáo khoa cho từng dạng khuyết tật và cần có văn bản cụ thể cho việc thực hiện các quy định, chính sách hỗ trợ kinh tế cho các trường chuyên biệt.

Theo Nguyễn Loan

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.