Học làm vợ, làm chồng

Học làm vợ, làm chồng
TP - Về sống với nhau, nhiều bạn trẻ mới vỡ ra rằng, yêu chưa đủ, muốn sống với nhau hạnh phúc cần phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để làm vợ, làm chồng.
Các bạn trẻ tại buổi học làm vợ, làm chồng
Các bạn trẻ tại buổi học làm vợ, làm chồng.

19 giờ tối, các bạn trẻ hối hả đến lớp học tiền hôn nhân học làm vợ làm chồng ở phố Kim Mã do Trung tâm đào tạo phát triển cộng đồng CTD tổ chức. Trong bài học tìm hiểu về tâm lý hai giới, thạc sĩ Phan Bích Thủy phát cho mỗi người một tờ giấy, yêu cầu các bạn trẻ kể ra những tính xấu hay những câu nói của chồng/vợ, hay người yêu khiến họ cảm thấy bị tổn thương nhất. Một số bạn trẻ viết ra không chỉ một mà nhiều câu nói khiến mình bị tổn thương.

Được sự động viên của người dẫn dắt Phan Bích Thủy, bạn Nguyễn Hoài Thu (sinh năm 1988) bộc bạch: “Bạn trai em rất tốt nhưng anh ấy có điểm yếu là nóng tính. Mỗi lần cãi nhau, anh ấy buông lời lẽ nặng nề khiến em thấy bị xúc phạm. Mặc dù, sau đó anh ấy tỏ ra ân hận, xin lỗi nhưng mỗi lần như thế em cảm thấy rất buồn”. Bạn Nguyễn Đức Quân, chia sẻ, vợ mình mang tính nói nhiều, nhiều lúc thấy đau đầu.

Theo thạc sĩ Thủy, giao tiếp là một trong những vấn đề mà các cặp đôi gặp nhiều nhất trong cuộc sống hiện đại. Nhiều người ra ngoài ăn nói nhẹ nhàng nhưng về nhà hay nặng lời với vợ con. Có người thể hiện bằng ngôn ngữ không lời tiêu cực như: Ánh mắt coi thường, cái nhếch mép khinh bỉ, nhăn trán, cau mày, thở dài, không nhìn vào mắt nhau. Những hành động đó có thể gây ra cho đối phương một loạt các phản ứng sinh học tiêu cực như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, stress, trầm cảm.

Sau khi được chuyên gia giảng giải, bạn trẻ hiểu rằng mỗi người đều mang trong mình tính xấu nên cần phải có sự cảm thông cho nhau. Thạc sĩ Thủy cho rằng, sở dĩ phụ nữ nói nhiều bởi thích được quan tâm, chiều chuộng. Ngược lại, đàn ông tuy là phái mạnh nhưng luôn muốn nhận được những cử chỉ yêu thương, ngọt ngào từ vợ.

Mang bụng bầu đã 6 tháng nhưng hàng ngày chị Nguyễn Thùy Giang (sinh năm 1987) và chồng vẫn tích cực đến lớp học tiền hôn nhân. Lý giải thắc mắc của nhiều người, Giang chia sẻ, thời gian mang bầu tâm lý Giang có nhiều thay đổi, dễ nổi cáu, hay giận hờn và mau nước mắt. Sự thay đổi của Giang khiến cuộc sống gia đình nhỏ xáo trộn. “Nhiều lúc chồng không chiều nổi, vùng vằng bỏ đi. Mình cũng không lý giải nổi tính khí mình khác trước thế này”, Giang chia sẻ.

Tham gia lớp học, qua các bài tập trải nghiệm và sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý, Giang và chồng mới vỡ ra nhiều điều. “Hóa ra, hầu hết phụ nữ khi mang bầu tâm tính đều thay đổi chứ không riêng gì vợ mình. Hiểu ra, mới thấy thương vợ và cảm thông cho vợ nhiều hơn”, anh Quân, chồng chị Giang chia sẻ.

Để hạnh phúc bền lâu

Trên 10 năm kinh nghiệm làm tư vấn về tâm lý, tình yêu, hôn nhân, các chuyên gia tâm lý của Cty Cổ phần Tham vấn, Nghiên cứu và Tâm lý học cuộc sống (SHARE) nhận thấy rất nhiều bạn trẻ rơi vào trạng “khủng hoảng tiền hôn nhân” hay “khủng hoảng hậu đám cưới”, tức cảm thấy căng thẳng, bế tắc, mất phương hướng ngay tại thời điểm chuẩn bị kết hôn và ngay sau khi tuần trăng mật vừa kết thúc.

“Không ít đôi đã không vượt qua được cơn khủng hoảng đó, họ đã chia tay ngay trước thềm đám cưới, hoặc bắt đầu phải đối diện với những rạn nứt ngay sau thời điểm kết hôn. Nguyên nhân chủ yếu là do các bạn trẻ chưa chuẩn bị một cách đầy đủ về tâm lý, cũng như thông tin, kiến thức và các kỹ năng chung sống trước khi kết hôn”, chị Đoàn Hương, giám đốc SHARE chia sẻ.

Theo chị Hương, trước khi kết hôn, đa số bạn trẻ đều ảo tưởng, đặt nhiều kỳ vọng về người bạn đời, về cuộc sống hôn nhân, gia đình. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy. “Sau cưới, người đàn ông thường có tâm ký trông đợi, đòi hỏi ở người vợ sự chu toàn, đảm đang, chăm sóc gia đình, đối nội, đối ngoại. Trong khi đó, người bạn gái phải làm quen với nhiều vai trò mới làm vợ, làm dâu, làm mẹ khiến họ dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực”, chị Hương cho hay.

Theo các chuyên gia tâm lý, hôn nhân 5 năm đầu thường có những cú sốc nho nhỏ, có khi chỉ là những thói quen hằng ngày của người bạn đời, chồng ngủ ngáy, quần áo vứt bừa bãi, hay vợ ăn mặc lôi thôi không biết làm đẹp như trước. Khi có con, thường mâu thuẫn về chăm sóc, nuôi dạy con cái, chia sẻ công việc gia đình.

“Những mâu thuẫn nho nhỏ kể trên nếu vợ chồng không cùng lắng nghe, chia sẻ với nhau rất dễ gây ra xung đột. Đó là con sóng ngầm “đe dọa” hạnh phúc gia đình bên cạnh những xung đột lớn như, ngoại tình, mâu thuẫn kinh tế…”, chị Hương nói.

Nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức cho bạn trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân, SHARE đã tổ chức được 7 lớp học tiền hôn nhân, đầu tháng 10 này tổ chức lớp thứ 8. Mỗi khóa học thường diễn ra trong 6 buổi với các nội dung: Vượt qua ảo tưởng hôn nhân; Những trở ngại cần vượt qua; Chuẩn bị cho sự ra đời của em bé; Tình dục trong hôn nhân.

Theo thống kê từ tòa án, năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn nhưng đến năm 2010 con số này đã lên tới 126.325 vụ. Hơn thế nữa, thống kê từ tòa án nhân dân TPHCM cho biết 60% các vụ ly hôn diễn ra ở những cặp vợ chồng trẻ, trong độ tuổi 20 – 30 tuổi. Nghiên cứu quốc gia và gia đình cho thấy, 3 nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn là: mâu thuẫn về lối sống, tài chính và những xung đột liên quan đến tài chính. Một số nghiên cứu khác chỉ ra 4 nguyên nhân phổ biến là: Mâu thuẫn về lối sống, ngoại tình, kinh tế, bạo lực gia đình. Trong đó, phổ biến nhất là mâu thuẫn lối sống và ngoại tình.

Học làm vợ, làm chồng ảnh 2
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.