Học giả Trung Quốc: Cường độ hoạt động của Mỹ ở Biển Đông năm 2020 ‘cao chưa từng có’

TPO - Trong những động thái chưa từng có nhằm răn đe Trung Quốc, quân đội Mỹ đã nhiều lần triển khai các dàn vũ khí chiến lược, trong đó có các nhóm tác chiến tàu sân bay, tới Biển Đông vào năm 2020. Nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục tập hợp các đồng minh và đối tác trong khu vực để tăng cường hiện diện quân sự ở tiền tuyến, nhằm ngăn chặn Trung Quốc trên biển, Hoàn cầu thời báo dẫn báo cáo gần đây của một tổ chức của Trung Quốc chuyên nghiên cứu Biển Đông nhận định.
Một quân nhân Mỹ trên máy bay giám sát P-8A Poseidon xem màn hình máy tính cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng và cải tạo trái phép thực thể này.

Đây là năm thứ ba liên tiếp, Tổ chức Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI) có trụ sở tại Bắc Kinh công bố các báo cáo về các hoạt động quân sự của Mỹ ở Biển Đông.

Theo SCSPI, Mỹ đã điều động các nhóm tấn công tàu sân bay, nhóm tàu đổ bộ, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, máy bay ném bom B-52H và B-1B đến Biển Đông trong năm 2020.

Xét về quy mô, số lượng và thời gian hoạt động, cường độ cao của các hoạt động quân sự của Mỹ trong năm 2020 là bất thường so với những năm gần đây, SCSPI nhận định. Do tác động của đại dịch COVID-19, Mỹ đã tăng cường độ và tần suất của các hoạt động trên không và dưới nước để bù đắp cho việc thiếu lực lượng mặt nước, duy trì và củng cố sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, Hồ Ba, giám đốc SCSPI, nói.

Tháng 7 năm 2020, Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận với hai nhóm tác chiến tàu sân bay hai lần trong vòng nửa tháng, được giới phân tích coi là một động thái hiếm thấy.

Ông Hồ chỉ ra rằng việc này cho thấy một số đặc điểm mới trong việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh.

"Thứ nhất, nó mang tính định hướng chiến đấu rất cao. Ví dụ, tàu sân bay USS Ronald Reagan liên tục ra vào Biển Đông nhanh chóng và phối hợp tấn công bên sườn với các nhóm tấn công tàu sân bay khác. Thứ hai, tàu sân bay Mỹ hoạt động ở một khu vực rộng lớn hơn. Thứ ba, các cuộc tập trận hai tàu sân bay cũng là những cuộc tập trận đặc biệt, vì chúng được tiến hành vào thời điểm nhạy cảm, trùng với các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc (PLA) ở Biển Đông và cuộc tập trận Hán Quang do lực lượng trên đảo Đài Loan tiến hành”,  Hồ Ba giải thích.

Theo thống kê chưa đầy đủ do nhóm nghiên cứu thu thập thông qua các thông tin công khai, Mỹ đã cử một số loại máy bay do thám, bao gồm máy bay tuần tra chống ngầm P-8A và máy bay trinh sát điện tử EP-3E, tới Biển Đông gần 1.000 lần.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng Mỹ đã tăng cường đáng kể tần suất và cường độ các hoạt động do thám bất cứ khi nào các tàu mặt nước của Hải quân Mỹ tiến hành các chiến dịch lớn như hoạt động Tự do Hàng hải ở Biển Đông, hoặc khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự. Ông Hồ lưu ý rằng đối tượng chính của hoạt động do thám trên không của Mỹ bao gồm các khu vực nhạy cảm dọc theo bờ biển nam Trung Quốc, đặc biệt là các cơ sở quân sự quan trọng.

Ông Hồ nói các tàu mặt nước của Mỹ cũng đã tiến hành 13 chuyến đi qua eo biển Đài Loan vào năm 2020.

Với việc ông Joe Biden trở thành tổng thống mới của Mỹ, ông Hồ dự đoán rằng chính quyền Biden sẽ không thay đổi tiến trình cạnh tranh chiến lược chống lại Trung Quốc, về mặt chính trị hay quân sự. Điều này có nghĩa là xu hướng căng thẳng quân sự giữa hai nước tại các khu vực xung quanh Trung Quốc, bao gồm cả Biển Đông, có thể sẽ vẫn còn, do tàu chiến và máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ tiếp tục thường xuyên vào khu vực.