Học đỉnh, kiếm tiền đa năng

Học đỉnh, kiếm tiền đa năng
TP - Không chỉ học giỏi, những sinh viên chủ nhân của giải thưởng cao cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” còn năng động hiện thực hoá ý tưởng tạo nguồn thu nhập cao khi đang ngồi trên ghế giảng đường.

> Mạng xã hội giành giải nhất Khởi nghiệp cùng Kawai
> Sinh viên đi chợ thuê

“Nhà chiêm tinh” Ét-vê

Ba nữ “chiêm tinh số” của trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Linh Hà, Nguyễn Lê Phương (cùng SN 1992, khoa Quản trị Kinh doanh), Trần Huyền Trang (SN 1992, khoa Quan hệ Quốc tế) đang được đông đảo bạn trẻ biết đến bởi cách giải mã bản đồ sao cá nhân, 12 cung hoàng đạo, xem bài Tarot, bộ môn khoa học độc đáo rất phát triển ở các nước phương Tây.

Dự án “Chiêm tinh số” vừa đạt giải 3 cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” do ĐH Ngoại thương tổ chức.

Lớp học của nhóm “Chiêm tinh số”
Lớp học của nhóm “Chiêm tinh số”.

Đã từ lâu, những cái tên của 12 cung hoàng đạo như: Bạch Dương, Thiên Bình, Kim Ngưu... thu hút sự quan tâm của giới trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin chủ yếu ở dạng bài dịch, đăng rải rác trên các báo, chưa có đơn vị nào nghiên cứu chuyên sâu bài bản về chiêm tinh số, 12 cung hoàng đạo.

Nắm bắt được trào lưu trong giới trẻ xem 12 cung hoàng đạo như kênh tham khảo hữu ích, 3 nữ sinh do Nguyễn Linh Hà làm trưởng nhóm bắt tay vào nghiên cứu bộ môn khoa học này và mở rộng sang kinh doanh. Cả nhóm dành một năm để nghiên cứu, dịch các tài liệu nước ngoài, giải các thuật toán về chiêm tinh số, xây dựng các bản đồ sao cá nhân...

Để đưa sản phẩm đến gần với người xem, thời gian đầu trưởng nhóm Nguyễn Linh Hà kiên trì đi đến các hội chợ, quán cà phê giới thiệu, đọc bản đồ sao cá nhân miễn phí.

Nhiều người sau khi nghe, tìm hiểu thấy có nhiều thông tin chính xác, được giải thích chặt chẽ, khoa học đã chủ động liên lạc lại với Linh Hà. “Tiếng lành đồn xa”, khách hàng tìm đến nhóm ngày càng đông. Các hoạt động của nhóm “Chiêm tinh số” vì thế ngày càng đa dạng phong phú, từ đọc bản đồ sao cá nhân, xem bài Tarot đến viết sách, viết báo, dạy học.

Các thành viên trong nhóm cùng đứng lớp. Mỗi tuần, 3 buổi tối, lớp chiêm tinh số của 3 nữ sinh ĐH Ngoại thương lúc nào cũng chật ních các bạn trẻ đến học, thảo luận. Những bài viết của nhóm giải mã bí ẩn về 12 cung hoàng đạo, giải mã cách yêu, tính cách... của các sao trên các báo được đông đảo bạn trẻ thích thú. Nhóm cũng vừa phối hợp với nhà xuất bản Asbook in 2.000 bản cuốn sách “Những đường cong hoàng đạo”, giải mã cách yêu của 12 cung hoàng đạo.

Hiện cả nhóm đang phối hợp với nhà xuất bản Kim Đồng cho ra đời seri sách “Hộp cầu vồng” gồm 12 cuốn sách viết cho lứa tuổi từ 6-13 tuổi. Mỗi cuốn sách 200 trang viết về một cung hoàng đạo, giải mã bản thân, mối quan hệ của cung hoàng đạo đó với bố mẹ, bạn bè; cách chơi với các bạn, xử lý các tình huống khi tranh luận, giận hờn...

“Quan trọng hơn, dựa trên tính cách của các cung hoàng đạo, chúng tôi đưa lời khuyên trong việc định hướng, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. Khó nhất khi viết seri sách này là dùng ngôn ngữ phù hợp tính cách của các em nhỏ”, Linh Hà cho biết,

Linh Hà tiết lộ, với các hoạt động định kỳ nhóm tổ chức, mỗi tháng “Chiêm tinh số” thu về gần 100 triệu đồng. Bận rộn cho niềm đam mê mới mẻ nhưng các thành viên “Chiêm tinh số” luôn ưu tiên việc học lên hàng đầu. Kết thúc các học kỳ, 3 thành viên của nhóm luôn đạt loại giỏi.

Mua bán thông minh trên điện thoại

Với ý tưởng mới lạ, độc đáo cùng cách trình bày, phản biện thông minh, linh hoạt nhóm dự án VTicket - Mạng xã hội về tiêu dùng cho giới trẻ đã xuất sắc vượt qua các đối thủ trở thành nhà vô địch cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” 2013 do ĐH Ngoại thương tổ chức.

Đỗ Hoàng Minh Khôi, tác giả của dự án cho biết, xuất phát từ kinh nghiệm làm việc trong môi trường tiêu dùng dành cho người trẻ và dựa trên nhu cầu của chính bản thân, Khôi cho ra đời ý tưởng này và đích hướng đến là người trẻ dùng smartphone (điện thoại thông minh). Dịch vụ đặt quyền lợi, tiện ích khi mua hàng của người tiêu dùng lên hàng đầu.

VTicket là một ứng dụng di động miễn phí, nơi doanh nghiệp kết nối với người tiêu dùng bằng những chiếc vé (ticket) được gửi đến người sử dụng smartphone. Các doanh nghiệp tham gia mạng xã hội sẽ tạo ra những chiếc vé thông qua việc kết hợp tính năng camera của smarphone và bộ giao diện, kí tự của VTicket. Thông tin giảm giá, thời gian, địa điểm xuất hiện ngắn gọn trên chiếc vé số bắt mắt.

Tham gia mạng xã hội tiêu dùng, chủ nhân smartphone có “phòng phát vé” trên điện thoại, nơi tổng hợp tất cả các vé theo 4 nhóm: Ẩm thực, mua sắm, giải trí, làm đẹp. Người dùng cũng có thể lọc vé theo chế độ: Mới, hot, ưu đãi, uy tín.

Ngoài ra, các chi tiết khác về cách thức sử dụng cũng như thông tin cơ bản của doanh nghiệp, một số hình ảnh, đánh giá và phản hồi của người tiêu dùng sẽ hiển thị khi người dùng click vào vé số.

Minh Khôi cho hay, VTicket còn cung cấp các nội dung tiêu dùng mang tính định hướng dành cho giới trẻ, tạo ra môi trường tiêu dùng thú vị, liên tục cập nhật thông tin, tăng sự lựa chọn.

Về tính khả thi của dự án, Minh Khôi phân tích: Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tốc độ tăng trưởng smartphone, với 266% trong 2012 (theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Flurry).

Trong đó, người trẻ (15- 30 tuổi) chiếm 72%. Việc phát triển ứng dụng smartphone nói chung và phát triển nội dung tiêu dùng hướng đến giới trẻ nói riêng có tiềm năng lớn, đáp ứng nhu cầu mua sắm thông minh thời số hoá.

Cả ba thành viên của VTicket đều là sinh viên 9X. Thăng Long và Minh Khôi (cùng sinh năm 1992) đang học ĐH Kinh tế quốc dân; Trịnh Thị Minh Hương (sinh năm 1993), sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại thương Hà Nội.

Dù trước đó các thành viên đều tham gia kinh doanh, tích luỹ được một số kinh nghiệm nhưng trong hơn 5 tháng để cho ra đời dự án, nhóm gặp không ít khó khăn. Minh Khôi cho biết, khó khăn lớn nhất là tiếp thị trực tuyến trên smartphone.

Mặc dù xu hướng này được hứa hẹn sẽ bùng nổ trong 2013, nhưng đây còn là ngành khá mới mẻ ở Việt Nam. Nội dung tiêu dùng cũng bao hàm khá rộng, và nhóm cũng cần nghiên cứu kĩ thị hiếu tiêu dùng.

Hiện tại VTicket đang trong quá trình hoàn thiện ý tưởng và nhóm đặt quyết tâm đầu năm 2014 sẽ tung ra thị trường dịch vụ tiêu dùng trên smartphone.

Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương đánh giá cao tính sáng tạo và khả năng kinh doanh của sinh viên, đặc biệt là 2 nhóm VTicket và “Chiêm tinh số”. “Sinh viên ngày nay không chỉ học giỏi mà còn biết làm kinh tế sớm. Qua những cuộc thi khởi nghiệp, sinh viên có cơ hội hiện thực hoá ý tưởng và áp dụng kiến thức được học vào thực tế”, GS Châu nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.