Học cách phòng chống thiên tai

Học cách phòng chống thiên tai
TP - Một loạt thành phố ven biển ở Việt Nam như Quy Nhơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… đang được tổ chức CtC (Challenge to Change - Thách thức đối với biến đổi) khảo sát và hướng dẫn cách phòng và chống thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.
Học cách phòng chống thiên tai ảnh 1
Sóng đánh trôi nhà dân ở tổ 29 Nam Ô (điểm được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất Việt Nam) / Ảnh: N.C 

Hôm qua, Đà Nẵng là thành phố ven biển thứ hai của Việt Nam (sau Quy Nhơn) được CtC khảo sát và tập huấn những kỹ năng phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, trong tháng 4 này, CtC chỉ mới xúc tiến phần "Đánh giá hiểm họa khả năng, tình trạng dễ bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu” (HVCA).

Đây là một trong bảy hoạt động chính của CtC ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Bà Nguyễn Thị Phúc Hoà - đại diện CtC ở Việt Nam cho hay, trong năm 2009, các hoạt động chính của CtC giúp giới thiệu quy trình, phương pháp, yêu cầu đánh giá HVCA, giúp đối tác dự án và các ban ngành địa phương nắm bắt được yêu cầu của việc hỗ trợ cho việc đánh giá tại các cấp.

Từ đó, cả địa phương lẫn CtC sẽ phác thảo được cái nhìn khách quan và tình hình cụ thể về khả năng ứng phó trước thiên tai của địa phương đó.

Theo ông Lương Quang Đốc - trưởng nhóm tư vấn của CtC tại Đà Nẵng, trong thời gian từ 6 - 23/5 ngoài việc cùng các đối tác khảo sát sơ bộ tình hình thiệt hại do thiên tai mang lại trong một vài năm gần đây, CtC còn trực tiếp đánh giá cụ thể tại phường Thọ Quang (Sơn Trà) và Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Đây là hai phường được đánh giá là dễ bị tổn thương nhất mỗi khi có thiên tai, lụt lội.

Ông Trần Phước Huấn - Phó Chủ tịch phường Hòa Hiệp Bắc trao đổi với Tiền Phong, đoạn bờ biển dài một km ở tổ 29, 30 Nam Ô sẽ được CtC nghiên cứu kỹ.

"Trước và sau khi sóng biển xâm thực, địa phương chúng tôi cũng lúng túng chưa biết xử lý triệt để như thế nào. Đây là cơ hội để chúng tôi học tập kinh nghiệm" - ông Huấn nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, mặc dù việc đối phó với BĐKH và phòng chống thiên tai rất cấp bách nhưng thông qua chương trình lần này của CtC, chúng ta phải có sự chuẩn bị kỹ càng và lên kế hoạch cụ thể.

Yêu cầu đặt ra là từng bước đạt mục tiêu đề ra và phù  hợp với chương trình mục tiêu quốc gia về BĐKH và chiến lược giảm thiểu thiên tai đến năm 2020.

Được biết, những nghiên cứu từ Việt Nam và châu Á sẽ được báo cáo đầy đủ bằng văn bản tại một hội nghị quốc tế về phòng chống thiên tai và ảnh hưởng của việc BĐKH được tổ chức tại Copenhaghen vào tháng 12 tới.

"Theo kết quả quan trắc, trong vòng 10 năm trở lại đây, Đà Nẵng là tỉnh chịu nhiều thiên tai bão lụt nhất miền Trung với 34 cơn bão, TT - Huế 32 cơn, Quảng Trị 30, Quảng Ngãi 19, Bình Định 14… Hậu quả bão lụt ngày càng tăng và có xu hướng khốc liệt hơn. Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão hằng năm gây ra lũ lụt, lốc, Đà nẵng cũng như Quảng Nam một năm ít nhất chịu một cơn bão đổ bộ trực tiếp" - Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó GĐ Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Phó BCH PCBL TP Đà Nẵng.
MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...