Học bổng 'Nâng bước Thủ khoa': Ðộng lực chắp cánh cho ước mơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2021, có 130 sinh viên được báo Tiền Phong và Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam trao học bổng. Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau, có em là người dân tộc thiểu số, thuộc hộ nghèo, cận nghèo; có em mồ côi; có em khuyết tật… nhưng tất cả đều vượt lên số phận để có kết quả học tập tốt.

Vượt lên nghịch cảnh

Trưa 26/12, khi chương trình “Nâng bước Thủ khoa 2021” đang tất bật chuẩn bị những khâu cuối cùng thì một người đàn ông dáng người khắc khổ đứng thập thò ngoài cửa hội trường. Ông là Thi Phúc (bố của tân sinh viên Thi Linh Chi, ĐH Ngân hàng TPHCM), phải mất gần 2h đồng hồ để chở con gái từ nhà ở huyện ngoại thành Bình Chánh (TPHCM) lên quận 3 tham dự chương trình. Ông Phúc kể, dù quê ở TPHCM nhưng đây là lần đầu tiên mình lên trung tâm TPHCM và phải dò đường mãi mới tới được đây.

Xem xét hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên

Chứng kiến sự nỗ lực vượt khó của các bạn tân sinh viên, TS. Trần Ðình Lý , Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Nông Lâm TPHCM cho biết, nhà trường sẽ xem xét tạo điều kiện để các bạn có thể vào lưu trú tại Ký túc xá Cỏ May (một đơn vị trực thuộc trường) trong thời gian học tập sắp tới, nếu các bạn có nhu cầu về chỗ ở. Ðể được vào ở, các bạn cần hội đủ hai tiêu chí là học giỏi và có hoàn cảnh khó khăn. Những bạn tân sinh viên vừa nhận được học bổng “Nâng bước Thủ khoa” của báo Tiền Phong đã hội đủ các tiêu chí cần thiết. “Là thành viên hội đồng xét chọn ở ký túc xá này, tôi sẽ cố gắng tuyển chọn và mong rằng có nhiều bạn sẽ vào đây lưu trú để có thêm điều kiện ăn ở và học tập”, ông Lý nói.

Ký túc xá Cỏ May là nơi ở được đầu tư hiện đại, hằng năm được doanh nghiệp đầu tư thêm 15 tỷ đồng để đài thọ tất cả chi phí ăn ở, tài liệu học tập cho các bạn sinh viên. Ðây là mô hình ký túc xá miễn phí đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Dáng người khắc khổ, ông Phúc ngồi ôm khư khư ba lô ở cuối hội trường theo dõi chương trình từ đầu đến cuối với ánh mắt luôn tự hào. Ông Phúc và các con lâu nay cùng sống trong căn nhà nhỏ chỉ ngoài 20 mét vuông. Gia cảnh khó khăn nhưng gia đình ông vẫn cố gắng gói ghém cho con gái Thi Linh Chi ăn học. Suốt mấy tháng dịch bệnh, ông Phúc phải nghỉ làm phụ hồ ở nhà nên gia đình mất đi nguồn thu nhập chính. Công việc cũng bấp bênh, ngoài dịch bệnh thì những ngày mưa coi như không có thu nhập vì bữa làm bữa nghỉ. Dẫu vậy, ông Phúc chưa bao giờ có ý định cho con ngừng học.

“Cuộc sống khó khăn nhưng mình cũng phải cố gắng hết sức. Đời mình đã thất học nên càng phải dồn lực lo cho con ăn học. Suất học bổng của báo Tiền Phong sẽ giúp tôi đỡ đi gánh nặng mưu sinh. Con gái chăm học là điều tôi rất mừng, thôi thúc tôi phải chăm lo tốt nhất để trở thành điểm tựa hỗ trợ, động viên con”, ông Phúc bày tỏ.

Học bổng 'Nâng bước Thủ khoa': Ðộng lực chắp cánh cho ước mơ ảnh 1
Các tân thủ khoa rạng rỡ trong ngày nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa” năm 2021 Ảnh: Phạm Nguyễn

Không chỉ Linh Chi, mỗi tân thủ khoa được nhận học bổng của chương trình “Nâng bước Thủ khoa 2021” là một câu chuyện về nghị lực vuơn lên trong cuộc sống. Lê Minh Trí, thủ khoa Trường Đại học Bách khoa TPHCM từng nghiện game đến nỗi bỏ ăn, bỏ học, “cày” game thâu đêm suốt sáng nhưng đã thức tỉnh, thay đổi để học giỏi. Học đến cuối cấp 2, Trí tự tin vào bản thân, nghĩ mình sẽ đậu cấp 3 trường tốt. Mẹ liên tục nhắc nhở nhưng cậu không nghe, Trí nói mẹ an tâm con sẽ đạt được. Nhưng kết quả thiếu 0,25 điểm để vào trường tốt.

Cấp học bổng hằng tháng

Nhà báo Lê Xuân Sơn: “Chúng ta ai cũng xúc động khi nghe câu chuyện hoàn cảnh, nghị lực vươn lên của các em sinh viên. Qua câu chuyện hôm nay, tôi hứa với các quý vị và các em, chúng tôi sẽ công bố những em sẽ nhận được học bổng hằng tháng . Trước mắt, em Nguyễn Hồng Duyên (quê Quảng Ngãi, sinh viên trường ÐH Phạm Văn Ðồng) người không có cha, mẹ vừa mất sẽ là người đầu tiên trong danh sách được quỹ lựa chọn tặng học bổng hằng tháng”.

“Có lúc gia đình bế tắc muốn chuyển lên trường nội trú ở thành phố. Em đã chọn trường Chợ Gạo ở Tiền Giang để học tập, sau 3 năm em đã cố gắng vượt qua, hôm nay được ngồi ở đây em đã thực hiện được lời hứa với mẹ. Khi nghiện game, hãy tìm một hướng khác cho đời mình, em cảm thấy hạnh phúc khi đạt được một điều gì đó. Đam mê học tập cũng là giải pháp hiệu quả để vượt lên chính mình, đó là sở thích lành mạnh để bỏ những thói quen không tốt”, Trí nói.

Còn Nguyễn Hồng Duyên, tân sinh viên trường ĐH Phạm Văn Đồng từ nhỏ đã mồ côi cha. Mẹ vào TPHCM mưu sinh, gửi em cho ngoại. Năm 2017, bệnh ung thư đã khiến mẹ nhập viện suốt nhiều năm, sau thời gian chữa trị, gia đình quá khó khăn nên đã vay tiền của hội phụ nữ chi trả cho mẹ. Năm 2021, ung thư tái phát di căn sang thận, đến đầu năm 2021 mẹ mất lúc em đang ôn thi đại học. Cú sốc quá lớn khiến em hụt hẫng, nhưng vượt qua tất cả, Duyên cố gắng học hành và trở thành thủ khoa trường ĐH Phạm Văn Đồng năm 2021.

Học bổng 'Nâng bước Thủ khoa': Ðộng lực chắp cánh cho ước mơ ảnh 2

Nhà báo Lê Xuân Sơn trao học bổng cho các tân thủ khoa. Ảnh: Phạm Nguyễn

Tương tự, Lê Tuấn Anh, tân sinh viên trường ĐH Việt Hàn (ĐH Đà Nẵng) 9 tuổi đã mất cha, Tuấn Anh đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống. “Động lực lớn nhất của em là người mẹ già đang tần tảo nuôi em cùng anh trai từng ngày. Em nhận ra rằng con đường học là con đường ngắn nhất giúp em thực hiện được hoài bão của mình trong tương lai”, Tuấn Anh nói.

Vườn ươm nhân lực chất lượng cao

130 sinh viên được trao học bổng “Nâng bước Thủ khoa 2021”, mỗi em một hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả các em đều vượt lên số phận để có kết quả học tập tốt. Trong 6 năm qua, gần 450 tân sinh viên nghèo, có thành tích xuất sắc đã được nâng bước, nhiều em trong số này đã ra trường và thành công trong cuộc sống.

Nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức chương trình học bổng “Nâng bước thủ khoa năm 2021” cho biết, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lễ tuyên dương và trao học bổng Nâng bước thủ khoa được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa hai đầu cầu Hà Nội và TPHCM và nối cầu qua zoom với nhiều địa điểm trên cả nước. Đây là cách thức tiến hành hết sức đặc biệt, vì theo truyền thống, các thủ khoa, á khoa nhận học bổng được mời về tập trung để dự các chương trình tuyên dương, giao lưu, tham quan và nhiều hoạt động có ý nghĩa khác.

Nỗ lực học hỏi để định hình tương lai

Góp mặt tại chương trình, Á hậu Phạm Ngọc Phương Anh bày tỏ niềm ngưỡng mộ nhiều bạn trẻ dù khó khăn vẫn cố gắng vươn lên trong học tập. Phương Anh chia sẻ, cô may mắn khi đã có nhiều trải nghiệm quý báu trong suốt 4 năm học đại học vừa qua, đồng thời cũng mong các bạn có được những trải nghiệm tương tự trên con đường hoàn thiện bản thân. “Ðây là cơ hội để các bạn hiểu rõ hơn về bản thân, từng bước định hình con đường phát triển của mình trong tương lai. Các bạn hãy cố gắng, tích cực tham gia các câu lạc bộ của nhà trường, các cuộc thi của các đơn vị khác nhau để tích góp cho mình nhiều trải nghiệm làm tiền đề dẫn đến những thành công trong tương lai”, Á hậu Phương Anh nhắn nhủ.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, năm nay, tình hình khó khăn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra khiến cho nhiều thủ khoa, á khoa gặp khó hơn, lãnh đạo báo Tiền Phong và Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam quyết định phải mở rộng học bổng ra toàn quốc với số lượng học bổng dự kiến trao là 120 suất, mỗi suất 10 triệu đồng và nhiều quà tặng trị giá hàng chục triệu đồng khác. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, hội đồng xét chọn nhận thấy có rất nhiều thủ khoa, á khoa có hoàn cảnh khó khăn đã có ý chí và nỗ lực vươn lên rất đáng quý, rất xứng đáng được tuyên dương, động viên kịp thời nên Ban tổ chức đã quyết định nâng số học bổng lên 130 suất, gồm 60 suất ở phía Bắc, 70 suất ở phía Nam. Các thủ khoa, á khoa nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa” hôm nay và những năm trước đều là những em thuộc gia đình là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; có cha mẹ là người lao động thu nhập thấp hoặc không có việc làm thường xuyên, hoặc bố mẹ đau ốm. Đặc biệt, có những em mồ côi bố hoặc mẹ, có em là người khuyết tật. Một tỷ lệ lớn các em là người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu, xa, khó khăn.

“Hầu hết các em phải vừa học vừa làm để giúp bố mẹ nuôi gia đình. Trong điều kiện như vậy, những thành tựu của các em trong học tập chứng tỏ những phẩm chất vô cùng tốt đẹp và tiềm năng rất lớn của các em. Tấm gương của các em mang đến cho chúng ta sự quý mến, niềm xúc động và niềm tin vào một thế hệ trẻ thông minh, giỏi giang, đầy nghị lực đang lớn lên. Giống như những mầm cây mọc trên mảnh đất cằn vẫn mạnh mẽ vươn lên, chúng ta tin chắc rằng các em sẽ trở thành những cái cây vạm vỡ trong vườn ươm nhân lực chất lượng cao của đất nước”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.