Con được khen, bố mẹ lo
Cả tuần nay, trong vở cậu con trai học lớp 2 của chị Nguyễn Thị Thanh ở quận Thủ Đức (TPHCM) lặp đi lặp lại lời khen của thầy giáo. “Con làm bài tốt. Thầy có lời khen”.
Không chỉ con trai chị, nhiều bạn khác cùng lớp cũng được thầy nhận xét với “mẫu câu” như vậy. Thấy con thờ ơ với những lời khen của thầy, chị phải kéo sự hứng thú của cháu bằng cách khen thầy nhận xét rất hay. Để con hiểu “thầy có lời khen”là khen gì, chị ngồi đọc bài làm của con, cố chỉ ra những điểm nổi bật trong bài làm để cháu hiểu thêm về đánh giá của thầy.
Chị Thanh băn khoăn, bài làm của con không được thầy nhận xét một cách cụ thể hay điểm nào, chưa hay điểm nào. Nếu tình trạng thầy chỉ khen cho có, khen đại trà các học sinh (HS) giống như thế này, người mẹ lo ngại con mình và nhiều đứa trẻ khác sẽ không biết mình kém ở điểm mà cũng chẳng biết hay ở chỗ nào.
Sau tuần đầu thực hiện đánh giá theo Thông tư 30, nhiều HS nhận được những lời nhận xét - chủ yếu là lời khen - đại khái từ giáo viên (GV), những câu như em giỏi lắm, thầy/cô khen, bài làm của em tốt, em cần cố gắng, em có tiến bộ… được GV sử dụng rất nhiều.
Con được khen nức nở nhưng nhiều phụ huynh vui không nổi. Đứa trẻ được khen hay, khen giỏi nhưng chẳng biết mình được khen vì điều gì, giỏi cái gì nên phụ huynh lo lắng cứ đà này con mình sẽ chủ quan, lơ là với việc học, không biết dựa vào đâu để cố gắng.
Học sinh đang được thầy cô đánh bằng bằng nhận xét đánh đồng, chung chung làm phụ huynh hoang mang.
Nhiều em được nhận xét “Con cần cố gắng hơn” thì mức độ hoang mang của phụ huynh càng cao khi không biết phải định hướng con cố gắng cái gì, cố gắng như thế nào.
Cô Bích Hạnh, GV Trường tiểu học Châu Văn Liêm, Q.5 kể, sau khi cô nhận xét vào vở HS, có em chìa vở ra nói: “Cô ơi, cô chấm điểm cho con đi”.
Theo cô Hạnh việc áp dụng đánh giá bằng nhận xét vào từng em, khi GV thấy cần thiết chứ không nên bắt nhận xét toàn bộ HS. Sĩ số lớp còn đông, GV còn gánh nặng nhiều công việc không tên rất khó để thể nhận xét được hiệu quả. Còn đánh giá nhận xét chung chung như thế này thì hậu quả với các em rất khó lường.
Giáo viên ở quận Gò Vấp, TPHCM tìm hiểu về cách đánh giá bằng nhận xét trong buổi tập huấn Thông tư 30.
Giáo viên còn hạn chế năng lực nhận xét
Ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay đánh giá bằng nhận xét là hình thức sử dụng phương pháp quan sát các hành vi của HS biểu hiện biết, hiểu và làm được đến đâu và GV nhận xét đánh giá. GV phải bằng nhiều cách tìm ra chứng cứ thành công của HS trong quá trình phát triển để đưa ra nhận xét kết quả học tập.
Hình thức nầy rất tỉ mỉ, GV phải tốn nhiều công sức để nhận xét đúng kết quả học tập của HS và có tác dụng tích cực giúp HS và cha mẹ các em hiểu rõ năng lực học tập để rèn luyện và phát triển.
Khi đánh giá thay đổi thì phương pháp tiếp cận của người thầy cũng phải thay đổi nhằm thu hoạch được dữ liệu để có những nhận xét chất lượng, phù hợp. Những nhận xét khen chung chung, đánh đồng xuất hiện như hiện nay trước hết là do GV bị áp lực sổ sách, sĩ số HS đông nên họ khó mà "tận tình".
Để góp phần phát triển năng lực đánh giá bằng nhận xét của đội ngũ nhà giáo, ông Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, cần lấy ý kiến từ các trường đào tạo Sư phạm, nơi đào tạo phải cùng chung sức để làm thì mới hiệu quả cũng như nhằm đảm bảo tính lâu bền.
Và một điều từng được nhắc đến như một khó khăn của việc đổi mới đánh giá lần này chính là năng lực, kỹ năng nhận xét của GV còn hạn chế nên nhiều người chọn cách khen… lấy lệ, an toàn. Tuy nhiên trái ngược với suy nghĩ “an toàn” của GV, các chuyên giáo dục cảnh báo nhận xét chung chung, thiếu sự chân thành, thiếu chú ý có thể tác động xấu đến cảm xúc của HS.
Một khi không cảm nhận được ý nghĩa của lời khích lệ để làm động lực cố gắng, các em sẽ cảm nhận mọi thứ vô cảm, hời hợt.
Ông Lê Ngọc Điệp cho hay đối với trẻ nhỏ việc khích lệ, khen ngợi là cần thiết nhưng đi cùng lời khen phải là thái độ chân thành, sự chú tâm. Chúng ta khen mà không để ý đến HS, không chỉ ra được là “khen cái gì” thì HS sẽ không thể cảm nhận được giá trị lời khen.
Trong lần chia sẻ với GV, phụ huynh ở TPHCM, Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho hay, đối với mỗi kết quả của trẻ việc khen ngợi cần đi vào chi tiết như cách trình bày, chữ viết, ý tưởng, lời giải… Việc khen hay, khen giỏi không giúp các em nắm bắt được mà còn thêm mơ hồ về khả năng của mình.
Ông Điệp nhấn mạnh, quá trình đánh giá HS chính là hoạt động giáo dục giúp HS nhìn nhận về năng lực, xây dựng thái độ và cũng là quá trình dạy làm người. Mọi sự vội vàng trong đánh giá giáo dục dễ dẫn đến sai lệch ảnh hưởng tâm lý và tính cách của trẻ và cách nhìn nhận của phụ huynh.
Vậy nên, Thông tư 30 cần được chia sẻ sâu rộng hơn, rõ ràng hơn với phụ huynh về những lợi ích, cách thực hiện để họ hiểu và hỗ trợ nhà trường, GV để việc đánh giá trẻ hiệu quả.
Theo Hoài Nam