Hoàn trả đào đường thi công cẩu thả ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm?

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều mũi đinh nhô cao trên đường Hồ Tùng Mậu
Nhiều mũi đinh nhô cao trên đường Hồ Tùng Mậu
TP - Mặt đường gồ ghề, sống trâu, thậm chí nhiều đoạn còn nguyên bãi đinh thi công nhô cao khỏi mặt đường… Thực trạng này đang xảy ra với nhiều tuyến phố ngay giữa nội đô Hà Nội sau khi các đơn vị đào đường thi công công trình ngầm.

Tuyến đường Thái Hà, vừa được ngân sách thành phố Hà Nội và quận Đống Đa chi hàng trăm tỷ đồng để thảm lại mặt đường và lát đá vỉa hè, hoàn thành chỉnh trang đồng bộ. Tuy nhiên, gần đây mặt đường vừa thảm lại bị đào lên để thực hiện công trình hạ ngầm tuyến cáp điện 110 kV. Ngoài Thái Hà, các phố Láng Hạ, Yên Lãng cũng vừa được thi công xong việc hạ ngầm tuyến cáp 110kv này.

Hoàn trả đào đường thi công cẩu thả ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 1

Mặt đường Xuân Thủy - Cầu Giấy có nhiều đoạn bị công trường cào rách chưa được thảm lại

Có mặt trên đường Thái Hà trưa 16/7, PV Tin Phong ghi nhận, phạm vi công trình đào đường kéo dài từ nút giao phố Yên Lãng đến nút giao phố Láng Hạ. Tại đây, từ tháng 5 vừa qua, đơn vị thi công đã đào mặt đường nhựa với chiều rộng khoảng 2 mét để hạ ngầm cáp điện. Đến nay đơn vị thi công đã hoàn trả mặt bằng cho các tuyến đường thuộc dự án.

Hoàn trả đào đường thi công cẩu thả ở Hà Nội: Ai chịu trách nhiệm? ảnh 2

Mặt đường Thái Hà nham nhở sau dự án hạ ngầm điện của đại diện EVN

Tuy nhiên tại những vị trí mặt đường được hoàn trả ở các tuyến phố trên, đã xuất hiện tình trạng mặt đường rạn nứt, lún sâu, tạo ra các gờ cao thấp khác nhau giữa mặt đường hiện tại và mặt đường được thảm lại. Do độ cao thấp chênh nhau từ 1 đến 5 cm nên các gờ này gây nguy hiểm cho phương tiện qua lại, nhất là với xe máy, dễ mất tay lái, xảy ra tai nạn. Tại một số đoạn bị lún đã được đơn vị thi công thảm bù nhưng việc này làm mặt đường nhô cao hơn nên lại xảy ra tình trạng những đoạn “sống trâu” trên mặt đường. Lớp nhựa được thảm hoàn trả có nhiều đá răm lô nhô, làm cho mặt đường càng gồ ghề, không êm thuận.

Đường Trường Chinh vốn được rào 1/2 diện tích lòng đường nhiều năm để thi công dự án mở rộng lòng đường dưới thấp và dự án làm đường trên cao. Gần 1 năm nay hàng rào đã được dỡ bỏ và hoàn trả mặt bằng, nhưng mặt đường còn nham nhở, nhiều đoạn vẫn nguyên các vết cào cua của máy móc công trường khi thi công 2 dự án trên. Tại đoạn đường từ nút giao phố Tôn Thất Tùng đến Ngã Tư Sở, hai bên vỉa hè và hệ thống thoát nước vẫn chưa được hoàn trả. Vì vậy mỗi khi mưa,đoạn đường này bị ngập nặng.

Dự án trọng điểm biến đường thành bãi chông

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã thi công xong đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy hơn năm nay, tuy nhiên việc hoàn trả mặt đường từ nút giao thông Cầu Giấy đi cầu Diễn dài khoảng 7 km vẫn chỉ diễn ra ở việc hàn vá, chưa được thảm lại đồng bộ.

Tại đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu, theo quy định, khi dự án dỡ bỏ hàng rào, chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội lẽ ra phải thực hiện việc thảm lại, hoàn trả mặt đường như ban đầu. Nhưng hiện nay mặt đường tại các vị trí dự án sử dụng để thi công trước đây vẫn nham nhở, ổ trâu, ổ gà.

Tại khu vực các nhà ga và mặt đường chạy trước cổng Đại học Quốc gia Hà Nội (đường Xuân Thủy), nút giao Hồ Tùng Mậu - Lê Hữu Thọ, hiện có nhiều vết lõm sâu so với đường hiện tại do việc thảm nhựa hoàn trả chưa được thi công trên diện rộng. Thậm chí mặt đường tại nhà ga trước cổng trường Đại học Sân khấu điện ảnh (đường Hồ Tùng Mậu), ghi nhận cho thấy còn nhiều mũi cọc sắt, trụ bê tông có lõi sắt nhô lên khỏi mặt đường, có những vị trí có từ 3 đến 5 cọc sắt nhô cao lên khỏi mặt đường từ 1 đến 2 cm.

Mặt đường không đảm bảo an toàn

Trao đổi với PV Tin Phong, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để thực hiện công trình hạ ngầm tuyến cáp điện 110 kV khu vực Thành Công, tháng 5/2021, Sở GTVT có cấp phép cho đơn vị thực hiện là Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội, thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thi công dự án trên các tuyến phố Thái Hà, Yên Lãng, Láng Hạ. Đến nay công trình đã thi công cơ bản xong.

Trước thực trạng hoàn trả mặt đường không như ban đầu, đại diện Sở GTVT là Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cho biết đã thường xuyên có kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu hoàn trả đúng theo yêu cầu nhưng đến nay ít có chuyển biến. Thông qua giấy phép đào đường được Sở GTVT cấp cho Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội - EVN, chúng tôi được biết, đại diện đơn vị được cấp giấy phép đào đường là ông Nguyễn Hùng Thắng. Tuy nhiên, trả lời chúng tôi về những tồn tại sau việc đào đường thi công công trình, ông Thắng nói ông không nắm được sự việc này, có thể Sở GTVT Hà Nội đã ghi nhầm người đại diện (?!).

MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.