Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật tạo việc làm cho người khuyết tật

Thị trường lao động, việc làm dành cho người khuyết tật ngày càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật tiếp cận việc làm bền vững vẫn còn gặp nhiều hạn chế.
Người khuyết tật được tư vấn nghề nghiệp mới tại “Hội chợ việc làm kết nối doanh nghiệp với lao động là người khuyết tật” tổ chức ngày đầu tháng 12 tại Hà Nội.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê năm 2023, cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số, có khoảng 700.000 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo, tỉ lệ người khuyết tật trong độ tuổi lao động trong nền kinh tế chiếm 23,5%. Việc hỗ trợ sinh kế bền vững cho người khuyết tật là giải pháp quan trọng, tạo cơ hội cho người khuyết tật tự chủ, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Trao đổi chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật, bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, thị trường lao động, việc làm dành cho người khuyết tật ngày càng đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, số lượng người khuyết tật tiếp cận việc làm bền vững vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2023, số lao động là người khuyết tật có việc làm còn thấp, chiếm 23,5% tổng số lao động là người khuyết tật.

Hiện nay, các chính sách khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết doanh nghiệp lo ngại việc phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với người khuyết tật sẽ làm tăng chi phí trong khi năng suất và hiệu quả làm việc không cao do hạn chế về sức khỏe. Ngoài ra, nhận thức của xã hội đối với người khuyết tật chưa cao, khiến bản thân người khuyết tật còn tâm lý mặc cảm, tự ti trong việc chủ động tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp phù hợp.

Lớp thêu tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên

Bà Đinh Việt Anh – Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam thông tin, Hội Người mù Việt Nam có gần 74.000 hội viên, trong quá trình hoạt động, Hội Người mù Việt Nam luôn xác định hỗ trợ hội viên tạo việc làm và có thu nhập ổn định là một nhiệm vụ trọng tâm.

Bên cạnh việc phát triển các nghề truyền thống như xoa bóp, sản xuất thủ công mỹ nghệ, làm nông nghiệp, Hội Người mù Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước triển khai các chương trình, dự án nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người khiếm thị trong các lĩnh vực mang tính hòa nhập cao hơn, phù hợp với xu thế 4.0.

Ngoài ra, Hội đã tổ chức khóa đào tạo thương mại điện tử (bán hàng trực tuyến); dán nhãn dữ liệu; nghề pha chế đồ uống; kỹ thuật xoa bóp nâng cao cho người khiếm thị.

Bên cạnh đào tạo nghề, Hội Người mù Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ về nguồn vốn vay nhằm giúp hội viên phát triển kinh tế. Chính sách hiện tại cho phép cá nhân vay từ 30–40 triệu đồng (khoảng 1.200 –1.600 USD), cá nhân khởi nghiệp có thể vay lên đến 100 triệu đồng (khoảng 4.000 USD), và các cơ sở kinh doanh lên đến 500 triệu đồng (khoảng 20.000 USD), với mức tối đa 50 triệu đồng (khoảng 2.000 USD) cho mỗi lao động. Nhiều hội viên đã khởi nghiệp thành công, mua nhà và tài sản giá trị, đồng thời tạo việc làm cho cả người khuyết tật và không khuyết tật.

Anh Tạ Văn Thịnh - một người khuyết tật - đang làm việc tại Công ty TNHH Thiết bị và Sản phẩm an toàn Việt Nam.

Trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật

Để tiếp tục chăm lo đời sống, sức khỏe cho người khuyết tật trong năm 2024, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật; nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến người khuyết tật trong quá trình chuẩn bị, trình Quốc hội các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật BHXH (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho người khuyết tật; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho đối tượng người khuyết tật…Đảm bảo an sinh với người khuyết tật.

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn và đề xuất một số hoạt động năm 2024, trong đó các đại biểu kiến nghị phải tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người khuyết tật.

Bên cạnh đó, chú trọng những chính sách để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.

Hiện nay, Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 – 2030, điều chỉnh chính sách trợ giúp xã hội, Nhà nước đã tăng mức hỗ trợ cho người khuyết tật từ 300.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, điều mà người khuyết tật cần hơn là sinh kế ổn định.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật (năm 2014), đồng thời, ngày 25/3/2019, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước số 159 về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội, Việt Nam đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp.

Đó là sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật theo hướng phù hợp với Công ước 159. Hiện nay, Việt Nam đang sửa đổi Luật Việc làm 2013 (dự kiến sẽ thông qua vào tháng 6/2025).

Trong đó, tập trung nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động theo hướng tạo cơ hội cho tất cả lao động, không phân biệt đối tượng, được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, phát triển kỹ năng nghề.