Hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ vùng ngoại thành phát triển

Ðường Vành đai 2 và cầu Nhật Tân là hai trong những công trình giao thông trọng điểm được quận Tây Hồ phối hợp thực hiện, đang là “đòn bẩy” để phát triển đô thị.
Ðường Vành đai 2 và cầu Nhật Tân là hai trong những công trình giao thông trọng điểm được quận Tây Hồ phối hợp thực hiện, đang là “đòn bẩy” để phát triển đô thị.
TP - Thời điểm Hà Nội mở rộng (2008), Tây Hồ là một trong những quận mới thành lập của thành phố Hà Nội. Quận mới với nhiều việc phải làm, nhưng đến nay, sau 10 năm phát triển, Tây Hồ đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng đô thị, cùng với đó, quận còn hỗ trợ một số địa phương vùng mới mở rộng phát triển.

Xây nhà văn hóa phục vụ người dân ngoại thành

Khi sáp nhập với Hà Nội, toàn bộ các thôn của xã Đông Xuân huyện Quốc Oai thuộc diện xã nghèo và nằm ở vị trí vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hòa Bình. Đường giao thông chưa cứng hóa, nhiều khu vực người dân còn chưa có điện sinh hoạt... Tuy nhiên, sau 10 năm về với Hà Nội, toàn bộ hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã đã được thảm nhựa và bê tông kiên cố. Hạ tầng, từ trụ sở làm việc, đến điện, trường, trạm đều phát triển và đạt tiêu chí nông thôn mới.

Có được kết quả này, ông Phan Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai cho rằng, nhờ sự hỗ trợ của huyện, thành phố và đặc biệt là UBND quận Tây Hồ trong công tác xây dựng, phát triển hạ tầng. Đề cập đến sự hỗ trợ của quận Tây Hồ trong những năm qua, ông Phú cho biết, trước năm 2016, nhà văn hóa của cả 9 thôn xã Đông Xuân ọp ẹp, không đạt tiêu chuẩn. Việc này vừa khiến cho bà con, cán bộ thôn gặp khó khăn khi sinh hoạt, hội họp vừa làm xã mất đi một tiêu chí quan trọng khi huyện, thành phố xét tiêu chuẩn nông thôn mới. Từ thực tế này, năm 2015, UBND quận Tây Hồ đã đứng ra hỗ trợ xã xây mới hai nhà văn hóa tại thôn Cửa Khâu và thôn Đồng Rằng.

Ghi nhận của phóng viên tại xã Đông Xuân những ngày qua, tuy đã đi vào sử dụng hai năm nhưng công trình vẫn còn khá mới, kiên cố, tấm biển “Công trình đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ của quận Tây Hồ” được huyện Quốc Oai gắn ở mặt tiền mỗi ngôi nhà văn hóa từ năm 2016 vẫn còn mới cóng. Ngoài ngôi nhà mái bằng khang trang tọa trên khu đất trên 1.000 m2, trong mỗi nhà văn hóa còn có đầy đủ bàn ghế, bục khánh tiết, thiết bị âm thanh, tủ sách… để sinh hoạt, tổ chức hội nghị cho khoảng 200 người.

Ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, kế hoạch hỗ trợ các huyện, xã ngoại thành phát triển, hoàn thiện hạ tầng trong đó có xây nhà văn hóa tại xã Đông Xuân, Quốc Oai là nội dung trong Chương trình số 02/2011 của Thành ủy Hà Nội. Theo đó, khi Hà Nội mới mở rộng, Thành ủy đã có chủ trương kêu gọi các quận nội thành hỗ trợ các huyện ngoại thành phát triển. Mặc dù là quận mới và còn có nhiều khó khăn, tuy nhiên trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, UBND quận Tây Hồ đã tham gia hỗ trợ xây dựng hạ tầng tại các xã nằm xa trung tâm của huyện Quốc Oai. Tổng giá trị quận tham gia hỗ trợ chương trình này là trên 20 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2010 - 2015 quận Tây Hồ đã xây dựng các nhà văn hóa tại xã Đông Xuân, hiện đang triển khai xây dựng các nhà văn hóa tại xã Cộng Hòa với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Ngoài nhà văn hóa, trong chương trình hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2020, quận sẽ tổng hợp các đề xuất của địa phương để xây thêm hệ thống trường, trạm hoặc hỗ trợ làm đường giao thông…

Hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ vùng ngoại thành phát triển ảnh 1

Nhà văn hóa thôn Cửa Khâu (xã Ðông Xuân) một trong các công trình UBND quận Tây Hồ đầu tư, phục vụ người dân ngoại thành.

Hoàn thiện hạ tầng - “đòn bẩy” phát triển đô thị

Đánh giá về công tác thực hiện 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, tại thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12, quận Tây Hồ đang nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, để phát triển quận theo hướng dịch vụ - công - nông nghiệp. Kết quả đến nay, trên tất cả các lĩnh vực đều có sự chuyển biến tích cực.

Với lĩnh vực kinh tế, so với thời diểm hợp nhất năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chỉ đạt 971 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 giá trị này là 3.300 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần). Tổng thu ngân sách năm 2008 quận chỉ đạt 420 tỷ đồng nhưng đến năm 2017 số thu này là hơn 4.300 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần). Quận cũng thực hiện có kết quả các đề án: “Phát triển trồng sen tại một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”, đề án “Thưởng thức chè sen tinh hoa chè Việt tại Quảng An”, đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ngoài trời ẩm thực và lễ hội đường phố tại khu vực hồ Sen, phố Trịnh Công Sơn” (giai đoạn 1)…          

Trên lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị, quận đã tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án, các công trình trọng điểm, công trình dân sinh như: đường trục Phú Thượng tuyến 2; xây dựng mới các trường mầm non Tứ Liên, tiểu học Chu Văn An, mầm non Đoàn Thị Điểm; tập trung giải phóng mặt bằng nhiều dự án trọng điểm như xây dựng tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây, hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, cầu Nhật Tân, đường vành đai 2, KĐT Nam Thăng Long, KTĐ Tây Hồ Tây… Trên lĩnh vực văn hóa, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, quận cũng đạt được những kết quả nổi bật, đơn cử, hiện quận Tây Hồ là một trong những quận, huyện dẫn đầu thành phố về số trường công lập đạt chuẩn quốc gia - 22/25 trường (chiếm tỷ lệ 88%); 8/8 phường duy trì đạt chuẩn quốc gia về y tế; là một trong hai quận, huyện thuộc thành phố Hà Nội không còn hộ nghèo.

Về các giải pháp, nhiệm vụ tiếp theo trong thời gian tới, ông Đỗ Anh Tuấn cho biết, quận tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm phát triển ổn định kinh tế, huy động mọi thành phần đầu tư khai thác có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế theo cơ cấu bền vững. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tạo nguồn ngân sách quận, tạo điều kiện tái đầu tư cho các công trình hạ tầng. “Trước thời điểm 2010, việc đi lại tại quận rất khó khăn, tuy nhiên với việc tập trung và phối hợp thực hiện xong các dự án hạ tầng như đường Vành đai 2, cầu Nhật Tân, đường và hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây… ngoài giúp người đân đi lại thuận lợi, các công trình này còn là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn quận phát triển”, ông Tuấn nêu thực tế.

Song song với các nội dung trên, ông Tuấn cũng cho biết, quận tích cực thực hiện công tác xã hội hóa, đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện các dự án đã có giấy chứng nhận đầu tư, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng. “Chủ động phối hợp với các sở ngành của thành phố trong việc triển khai các dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn quận. Ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO để nâng cao công tác điều hành, quản lý và phục vụ nhân dân” lãnh đạo UBND quận Tây Hồ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG