Trước đó, sáng ngày 11.6, anh Duy vô tình phát hiện một chùm với 4 bông hoa Ưu Đàm nở trắng ngần tại giữa Bảng chữ cái và số trên nền trắng, gần chữ T màu đỏ. Quan sát kỹ mới có thể phát hiện được các hoa Ưu Đàm này, vì thân hoa trắng và rất mảnh như sợi tóc, cao khoảng 1cm, phía trên là nụ hoa trắng ngần bằng đầu chiếc tăm.
Theo lời anh Duy, Bảng chữ cái và số dán anh mua về trên tường tháng 8.2013 để chỉ cho con gái 3 tuổi của anh làm quen với mặt chữ và số. Vì tấm Bảng dán cạnh chiếc gương treo tường nên sáng sớm ngày 11.6, anh tắm xong rồi lên chải đầu và vô tình phát hiện loài hoa quý hiếm này. Nhờ qua sách báo đã đưa tin nên anh tra cứu trên mạng thì đó đúng là hoa Ưu Đàm mà người ta nói rằng loài hoa 3.000 năm mới nở.
anh Duy dùng miếng nhựa đen làm nền chụp ảnh của chùm 4 hoa Ưu Đàm
Hoa Ưu Đàm còn gọi là ưu đàm bát la, ưu đàm ba la, ưu đàm bạt la, ưu đàm bà la, ô đàm bà la, ô đàm la, ưu đàm bát, ưu đàm, là phiên âm Hán-Việt của từ "udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali, có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”, có truyền thuyết nói rằng "3.000 năm mới nở một lần".
Theo Kinh Phật, hoa Ưu Đàm nở để báo hiệu một vị Phật giáng sinh. Kinh văn nhà Phật có nói về loài hoa Ưu Đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường, hoa chỉ xuất hiện khi có Đức Phật hay vị Kim Luân Vương hoặc Chuyển Luân Thánh Vương (hay Pháp Luân Thánh Vương) xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian.
Việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa Ưu Đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế.