Hoa Tết mang nhiều bệnh 'hiếm gặp'

Hơn nửa số ly bán Tết của ông Lê Thành Nhi bị héo vàng, cụt đọt. Ảnh: Thanh Trần
Hơn nửa số ly bán Tết của ông Lê Thành Nhi bị héo vàng, cụt đọt. Ảnh: Thanh Trần
TP - Trận mưa lũ kéo dài giữa tháng 12 vừa qua làm vùng hoa Vân Dương (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) bị thiệt hại hàng loạt cây hoa cảnh. Số vớt vát được lại mang rất nhiều bệnh mà trước nay dân trồng hoa chưa từng gặp. Thời điểm này, cả làng hoa đang mướt mồ hôi vực lại vườn hoa cho kịp Tết, dù hy vọng không nhiều.  

Ngồi bên 1.000 củ ly còn sót lại sau trận mưa vừa rồi, ông Lê Thành Nhi (thôn Vân Dương 1) nói: Một nửa trong số này đã mang bệnh nặng, khó “cứu” được. Những chậu ly đang thời kỳ lên búp bỗng nhiên héo lá, cụt đọt và thối búp, trông cây ly vừa còi cọc, vừa quăn queo. Ngoài ly, vườn cúc vạn thọ của ông cũng bị vàng lá gốc, chết bán thân, rầy… những loại bệnh mà theo ông mọi năm ít gặp, năm nay lại xảy ra đồng loạt  khó khống chế. Theo ông Nhi, nguyên nhân khiến vườn hoa của ông “đổ bệnh” là do mưa kéo dài. “Trời thì không lạnh bằng mọi năm, nhưng mưa lâu ngày, cũng không biết là mưa muối hay mưa axít mà độc quá. Cây mang một lúc nhiều bệnh, không tài nào chữa được”, ông thở dài.

Cạnh đó, vựa hoa của ông Phạm Hùng cũng đang phải đối mặt với hàng loạt bệnh như nấm đốm lá, nứt thân, héo xanh. Ông Hùng cho hay, do mưa kéo dài, lại xảy ra trúng đợt phân hóa mầm hoa nên hầu hết hoa cảnh đều bị ảnh hưởng. Ông Phan Hiền, Giám đốc HTX Hoa - cây cảnh Vân Dương cũng cho biết trong 10 năm trở lại đây chưa hề có hiện tượng hoa Tết mang bệnh, hư hại nhiều như vậy gần 80% cây ly của hàng chục hộ sản xuất tập trung tại HTX đã bị hư hại. Cúc và các loại hoa ngắn ngày khác cũng héo hắt. Những ngày này, nông dân vùng hoa vắt chân lên cổ hối hả chăm từng chậu hoa để kịp xuất vụ Tết trong chừng 3 tuần nữa. Bà con phải bỏ công đi bấm từng chiếc lá ly bị khô héo, dù mất thời gian nhưng cũng phải chấp nhận, vì để vậy khách sẽ không mua. Đối với cúc, mỗi ngày các vườn hoa đều cử người đi rà từng chậu, xem lá nào hư hỏng, bị nấm, bệnh phải bấm bỏ ngay do sợ lây lan. Còn với những chậu hoa ngắn ngày bị chết một phần, bà con trồng lại.

Không chỉ hao công tốn thời giờ, nông dân còn phải mua thuốc, phân gấp 3 lần mọi năm để vực lại vườn hoa. Ông Nhi cho hay, mọi năm thời điểm này cứ mỗi tuần bà con lại phun thuốc, bón phân một lần để giúp hoa phát triển, tăng sức đề kháng thì nay một tuần phải phun đến 3 lần. Thuốc phòng trừ bệnh cho hoa không phải một loại mà phải kết hợp nhiều loại, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng cho cây nên chi phí rất tốn kém.

Theo ông Phan Hiền, dù biết vất vả và tốn kém như vậy nhưng bà con không còn lựa chọn nào khác, vì đây là thời điểm nước rút, nếu để hoa tiếp tục nhiễm bệnh hoặc không kịp nở thì coi như mất trắng. “Giờ cố hết sức và cầu trời đừng mưa lạnh trong hai tuần nữa thì may ra vớt được khoảng hơn một nửa. Như vậy bà con mới có Tết”, ông Hiền kỳ vọng.  Trong khi đó, các hộ sản xuất khẳng định hoàn toàn bất lực với một số loại đã vàng thân, úa lá gốc. Số đó sẽ bán theo kiểu “khách trả bao nhiêu cũng gật”, hoặc đem bỏ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.