Yêu cầu người ký tên lên tranh chép xin lỗi
Họa sĩ Lê Thế Anh - giảng viên tại Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội - lên tiếng khi phát hiện hai bức tranh chép tác phẩm của anh bị họa sĩ Phạm Hồng Minh ký tên.
Chia sẻ với Tiền Phong, họa sĩ Lê Thế Anh nói ban đầu anh phát hiện bức Lì xì nhé của mình bị nhái và có chữ ký của họa sĩ Phạm Hồng Minh trên tranh. Lê Thế Anh đã liên hệ Phạm Hồng Minh và được biết họa sĩ này mua bức tranh ở quận 5, TP.HCM. Trong tin nhắn giữa cả hai, họa sĩ Phạm Hồng Minh nói "cao hứng ký lên tranh" và xin lỗi vì không biết bức tranh đó là của Lê Thế Anh.
Bức tranh Cô gái Dao Đỏ bản gốc (phải) và chép (trái). Ảnh: NVCC. |
Họa sĩ Lê Thế Anh nói anh định bỏ qua vì không muốn ồn ào, tuy nhiên ngay sau đó, anh phát hiện Phạm Hồng Minh còn treo một bức tranh khác. Nguyên gốc được họa sĩ Thế Anh đặt tên Cô gái Dao Đỏ. Anh kể: "Không lẽ với bức thứ hai này, Minh cũng đi mua từ đâu đó và về lại cao hứng ký lên".
Anh quyết định lên tiếng để bảo vệ các tác phẩm của mình. "Tôi muốn có một bài học cho những ai định ăn cắp chất xám của người khác, đặc biệt là trong nghệ thuật", họa sĩ Lê Thế Anh khẳng định.
Họa sĩ Lê Thế Anh cho Tiền Phong biết anh bị chặn tin nhắn trên mạng xã hội nên không thể trao đổi gì thêm với Phạm Hồng Minh. Anh khẳng định sẽ nhờ tới sự can thiệp của pháp luật nếu Phạm Hồng Minh không công khai xin lỗi.
"Cậu ấy có thể nổi tiếng trong địa hạt của mình, có thể lên báo nhiều hơn tôi. Có lẽ vì thế mà Minh chủ quan. Tôi không tầm thường. Minh chẳng hình dung được một bức tranh của tôi có giá trị lớn thế nào và theo đó đền bù thiệt hại sẽ lớn ra sao", Lê Thế Anh nói.
Khi PV Tiền Phong liên hệ, họa sĩ Phạm Hồng Minh nói anh không muốn tiếp tục vướng vào tranh cãi. "Nếu tôi sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật", Phạm Hồng Minh cho biết. Hiện nam họa sĩ đã khóa tài khoản Facebook cá nhân.
Bức tranh chép có chữ ký của Phạm Hồng Minh. Ảnh: NVCC. |
Sự xúc phạm nghệ thuật
Trao đổi với Tiền Phong, họa sĩ Phạm An Hải bức xúc trước tình trạng các họa sĩ bị chép tranh, nhái tranh. Theo anh, đó là sự xúc phạm với nghệ thuật, với những người làm nghề. Về trường hợp của họa sĩ Lê Thế Anh, họa sĩ Phạm An Hải cho biết anh ủng hộ người đồng nghiệp lên tiếng, khẳng định tính chính danh cho các tác phẩm nghệ thuật.
Họa sĩ Phạm An Hải từng là nạn nhân của tình trạng chép tranh tràn lan. Anh cho biết sự việc xảy ra khá lâu và đã lên tiếng trước truyền thông, nhờ sự can thiệp của pháp luật để tố cáo những người nhái tranh của mình.
Tranh Dư âm phố cổ của họa sĩ Phạm An hải từng bị đạo nhái. Ảnh: NVCC. |
Mặc dù việc lên tiếng tố giác là cần thiết, song cũng chỉ như muối bỏ bể. “Tôi đã nhờ pháp luật can thiệp nhưng mức xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng còn quá thấp so với lợi nhuận mà kinh doanh tranh nhái mang lại", họa sĩ Phạm An Hải cho biết.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - mọi người mua tranh theo nhu cầu cá nhân vậy nên các phòng bán tranh chép ra đời. Tuy nhiên, tranh chép cần tuân thủ quy định khác kích thước tranh gốc và không được ký tên vào tranh.
“Tất cả tranh được gọi là tranh chép đều dựa trên bản gốc để vẽ và theo nhu cầu của khách hàng. Nhưng bức tranh đó phải nhỏ hơn hoặc to hơn tranh gốc và chắc chắn không được ghi tên. Những tranh không có tên mọi người biết ngay đó là tranh chép”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ với Tiền Phong rằng trước khi một cửa hàng chép lại tranh cần phải hỏi ý kiến tác giả.
Việc ký tên là tác phẩm được hiểu là việc đánh dấu sự sở hữu của tác giả lên tác phẩm do mình sáng tạo nên. Chữ ký của tác giả cũng là một phần không tách rời đối với toàn bộ bức tranh.
Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ quyền được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là một trong các quyền nhân thân gắn liền với tác giả và không một tổ chức, cá nhân nào có thể xâm phạm dù là chủ sở hữu tác phẩm (không phải tác giả).
Quyền trên được bảo hộ vô thời hạn theo quy định của khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, tất cả trường xâm phạm quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 thì đều có thể bị xử lý xâm phạm bản quyền tác giả.