Hoa sen không nở ở chùa Diên Hựu

Hoa sen không nở ở chùa Diên Hựu
TP - Trụ trì chùa Diên Hựu - Một Cột, Đại đức Thích Tâm Kiên giãi bày việc ông gửi “tối hậu thư” là muốn gióng lên hồi chuông về thực trạng của chùa chứ không hề có ý bôi bác hay cường điệu vụ việc. “Phật đội nón tránh mưa là chuyện có thật”. Vị trụ trì nói. Ông cho biết thêm, do mưa lụt, cá từ các nơi dồn về hồ Linh Ứng khiến hai năm nay chùa Diên Hựu không có hoa sen nở.

> Tượng Phật chùa Một Cột đội nón, mặc áo mưa!?
> Không ngập úng ở chùa Một Cột?

Trùng tu chùa Diên Hựu - Một Cột cần 31 tỷ đồng

Ngày 15/5, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) lấy ý kiến ban ngành để tìm hướng tu bổ, tôn tạo chùa Một Cột - Diên Hựu. Theo đó, dự án trùng tu, tôn tạo chùa được định hướng trên cơ sở văn hóa lịch sử lâu bền, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 31 tỷ đồng.

Trước đó, dư luận đặc biệt quan tâm việc Đại đức Thích Tâm Kiên viết “tối hậu thư” gửi lãnh đạo quận Ba Đình về việc trùng tu sửa chữa chùa Diên Hựu, và hình ảnh tượng Phật mặc áo mưa, đội nón lá được các báo đăng tải.

“Chùa nằm trong lòng chảo, mặt bằng tổng thể thấp hơn bảo tàng Hồ Chí Minh và Lăng Bác nên cứ mưa lớn là bị ngập. Cách đây 6 ngày chùa bị ngập sâu trong nước tới 45cm, rác và bùn thải đổ về chùa gây mất vệ sinh”, Đại đức Thích Tâm Kiên nói trong buổi sáng 15/5.

Ban quản lý dự án trùng tu, tôn tạo chùa Một Cột cho biết, trải qua thời gian, một số cấu kiện ở chùa Một Cột – Diên Hựu đã bị hư hỏng. Đặc biệt, khi trời mưa, mái ngói thấm ẩm gây ảnh hưởng đến cấu kiện. Hơn nữa, quá trình sửa chữa chùa đã xây thêm một số hạng mục không phù hợp.

Kiến trúc sư Hoàng Trọng Cương (đơn vị tư vấn trùng tu, tôn tạo chùa) cũng cho biết, bản thân chùa Một Cột – Diên Hựu đã trải qua nhiều biến động lịch sử và được tu sửa. Hiện trạng hệ thống tổng thể chùa Một Cột – Diên Hựu bị xuống cấp, một số hạng mục không phù hợp với cảnh quan di tích, cảnh quan chung của khu vực xung quanh. Điển hình đó là đường không đồng bộ, hệ thống cây xanh phát triển tự nhiên, cảnh quan của di tích lộn xộn gây mất mỹ quan.

Loại bỏ các yếu tố ngoại lai

Tượng Phật đội nón mặc áo mưa khi trời mưa tại chùa Diên Hựu
Tượng Phật đội nón mặc áo mưa khi trời mưa tại chùa Diên Hựu .

Dẫn lại lịch sử hình thành chùa Một Cột, GS Trần Lâm Biền khẳng định đây là chứng tích quan trọng và tiêu biểu thời Lý, giai đoạn lịch sử mà một dân tộc khẳng định mình khi đặt kinh đô là Thăng Long. Vì vậy, khi trùng tu tôn tạo phải chú ý tới việc loại bỏ các yếu tố ngoại lai, không bị chênh, không bị vênh với quần thể di tích.

Phó Giám đốc sở VHTT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến thống nhất phương án giữ nguyên các yếu tố cấu thành di tích. Ông Tiến khẳng định quan điểm không xây mới, trong trường hợp đặc biệt cần có ý kiến bằng văn bản và nhất quyết phải tuân thủ Luật Di sản và phải được xem xét đánh giá trên cơ sở khoa học.

Đặt vấn đề chùa Diên Hựu không chỉ là di tích mà còn là nơi sinh hoạt tôn giáo, Đại đức Thích Tâm Kiên cho rằng cần xây mới nhà Tổ và nhà Tăng.

“Tôi tán thành làm nhà Tổ và nhà Tăng. Nhưng không thể xây nhà Tăng trước nhà Tổ mà theo lối xưa là “Tổ phải theo Phật, Tăng phải theo Tổ”. GS Biền góp ý.

Phó trưởng phòng quản lý di tích của Cục di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) Trần Đình Thành cho rằng Cục sẽ có ý kiến chính thức về quy mô công trình, vị trí của nhà Tăng và nhà Tổ mới cho phù hợp.

Không trang nghiêm đừng nói chuyện linh thiêng

GS Biền đề xuất “Không thể để di tích ở trung tâm Ba Đình có sự nhếch nhác. Cần xây am hóa vàng, hóa vàng không để tình trạng hóa ngay trước sân. Tượng Phật trong chùa cũng cần phải sắp xếp lại. Sau khi quy hoạch, cần xem xét lại những hàng quán bán trong chùa. Nên đưa các quầy hàng lưu niệm ra khỏi chùa để trả lại sự trang nghiêm vốn có”.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Trương Minh Tiến khẳng định, đối với những tấm lòng cung tiến của du khách thập phương, chúng ta cần trân trọng, nhưng cũng cần tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý văn hóa để tránh phản cảm. “Trước đây, tôi thấy tại tam quan có đôi sư tử đá ngồi chầu, rất may hiện nay nó được di dời” Ông Tiến cho biết.

Chủ tịch quận Ba Đình, ông Đỗ Viết Bình cũng yêu cầu phường Đội Cấn giải tán ngay các hàng quán kinh doanh không có giấy phép tại khu vực di tích chùa Diên Hựu. “Hạn chậm nhất là 30/6”, ông Bình nói.

Cuối buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết, các phương án tu bổ, tôn tạo chùa đã được lập không phải là phương án chính thức. “Đó mới là phương án đưa ra để xin ý kiến của cơ quan chức năng, nhà khoa học. Tu bổ, tôn tạo chùa phải dựa trên cơ sở văn hóa lịch sử mang tính lâu bền”, ông Bình nói.

Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới công trình

Chiều 15/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có chỉ đạo về dự án tu bổ, tôn tạo Chùa Một Cột, theo đó, việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích Chùa Một Cột phải theo nguyên tắc giữ nguyên hiện trạng theo đúng Luật Di sản văn hóa, không xây dựng mới công trình.

Ngành văn hóa đang chịu búa rìu dư luận

Phó trưởng phòng quản lý di tích của Cục di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) ông Trần Đình Thành cho biết, ngành văn hóa đang hứng chịu búa rìu dư luận sau các sự kiện “Tối hậu thư của trụ trì chùa Một Cột”, “Thư trả lại làng văn hóa của người dân Đường Lâm”.

“Tuy nhiên, trên thực tế nhiều năm nay ngành văn hóa đã có rất nhiều đóng góp trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Tại Đường Lâm, thực ra chỉ có khoảng 10 hộ dân viết thư. Còn lại phần lớn người dân được hưởng lợi từ các chính sách văn hóa. Như họ được quan tâm đầu tư về nước sạch, vệ sinh và đảm bảo an ninh”. Ông Thành nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG