Hà Nội giờ đã có tam giác mạch rồi, ngay bên Hồ Tây, khỏi phải lặn lội lên tận Hà Giang, Lào Cai chụp ảnh nuôi facebook nữa. Thế nhưng chỉ sau mấy ngày tham quan miễn phí, đồng hoa toe toét hết cả. Rồi đến đồng cải “đẹp nhất Việt Nam” hơn 30 hec ta ở Thái Bình, bà con nông dân cũng đang khốn khổ lo mất giống rau vì bị giẫm đạp nhiều.
Có một mùa hoa đang rong ruổi theo không ít quan chức trên “chuyến tàu hoàng hôn”. Chuyến tàu vét thi nhau ký táng, chộp giựt kiếm hoa hồng. Ở Bình Phước vừa có tour du lịch hoàng hôn sang tận xứ Gia Nã Đại bên kia bán cầu, hành khách đa phần là quan chức sắp nghỉ hưu. Tiền hoa hồng của mỗi tấm vé số người nghèo được trích ra cho lãnh đạo sang xứ người học… “bán vé số”!
Có dự án văn hóa du lịch ngay tại Hà Nội tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng rộng mênh mông chỉ thấy toàn cỏ, hoang vu tơ tướp. Trong khi tít tận miền biên cương hẻo lánh, ngày hội hoa sở của xã Đồng Tâm – một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu, Quảng Ninh tự nghĩ ra, vừa tổ chức lần đầu đã khiến hàng vạn người từ xa xôi đổ về. Dân tình náo nức, vì vừa vui, lại có cơ hội đặc biệt để trao đổi, bán hàng hóa, sản vật địa phương giúp thoát nghèo.
Hoa sở, sực nhớ là loại hoa trắng muốt mùa đông, từng da diết suốt bao thập kỷ qua trong bài hát “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Trần Chung, lời thơ Lò Ngân Sủn: “Chiều biên giới khi mùa đào hoa nở, khi mùa sở ra cây, lúa lượn bậc thang mây, mùi tỏa ngát hương bay...”.
Ừ, thì thôi cuộc đời nhiều nhố nhăng xấu xí. Chiều nay nghe lại bài hát có nhắc đến loài hoa sở bình dị, thanh khiết trên đỉnh biên cương, chợt nao nao xúc động. Thấy lại những năm tháng gian lao của đất nước, “đôi ta cùng chiến hào” mà vẫn “nghe cuộc đời say nồng”.
Đôi khi, chỉ một loài hoa rừng cũng khiến người ta đi suốt, vượt qua những lao lung của mất mát và thân phận…