Trong vòng 3 năm trở lại đây, hoạt động trao đổi hàng hóa, thương mại giữa Tập đoàn Hòa Phát và các đối tác tại Úc liên tục tăng đột biến, đặc biệt là trong năm 2020. Cụ thể, lượng hàng hóa Hòa Phát nhập khẩu từ Úc năm nay ước đạt 700 triệu USD, tăng 2,2 lần so với năm 2019. Với giá trị kim ngạch này, Hòa Phát trở thành khách hàng Việt Nam lớn nhất của toàn bộ nước Úc.
Với lợi thế cảng nước sâu, Hoà Phát dễ dàng nhập nguyên vật liệu với giá cạnh tranh
Xét về giá trị, kim ngạch nhập khẩu than từ Úc chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn một nửa tổng giá trị hàng nhập khẩu năm 2020 và cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Năm 2019, giá trị than Hòa Phát nhập khẩu từ quốc gia trên chỉ đạt 115 triệu USD thì năm 2020 đã tăng vọt lên 364 triệu USD. Tuy nhiên quặng sắt có mức tăng trưởng tới 19 lần so với 2019 với kim ngạch 123 triệu USD trong 11 tháng vừa qua.
Úc có nguồn cung than và quặng sắt dồi dào, chất lượng cao, giá cả hợp lí. Do đó, trong năm Hòa Phát đã tăng cường nhập khẩu nhiều hơn để phục vụ sản xuất cho các Khu liên hợp gang thép tại Hải Dương và Dung Quất. Trong đó, 3 lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất lần lượt được đưa vào hoạt động trong các năm 2019 và 2020, đưa sản lượng thép thô của Tập đoàn liên tục đạt những dấu mốc mới.
Ngoài quặng than, mỗi năm Hòa Phát còn nhập hàng trăm ngàn con bò Úc và một số sản phẩm khác như phế liệu, kẽm, lúa mì,…. Sản lượng bò Úc của Hòa Phát trong 2 năm gần đây chiếm khoảng 50% tổng số bò Úc nhập về Việt Nam, giúp cho Tập đoàn củng cố vững chắc vị thế số 1.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Global Trade Atlas, 10 tháng 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc đạt gần 7 tỷ USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu từ Úc vào Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10/2020 đạt gần 3,5 tỷ đô la Mỹ. Với kim ngạch tăng đột biến nói trên, tỷ trọng giá trị Hòa Phát đóng góp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Úc sang Việt Nam năm 2020 dự kiến khoảng 17%. Tỷ trọng này năm 2018 và 2019 lần lượt là 7,4% và 7,6%.
Dự kiến trong năm 2021, Hòa Phát sẽ mua lượng hàng hóa lớn hơn từ Úc với giá trị hơn 1 tỷ đô la Mỹ, tăng tới 40% so với năm 2020.