Hòa Phát HN phải đấu trận play - off: Nhà giàu cũng khóc

Hòa Phát HN phải đấu trận play - off: Nhà giàu cũng khóc
TP - Thất bại đau đớn trước HAGL với tỷ số tủi nhục đúng bằng một ván tennis, Hòa Phát HN phải đi play-off trong khi nhiều người nghĩ rằng lẽ ra suất ấy phải là của người anh em HN.ACB.
Hòa Phát HN phải đấu trận play - off: Nhà giàu cũng khóc ảnh 1
Das Silva Hòa Phát Hà Nội (áo sẫm) cùng đồng đội phải đá trận play - off với An Giang  Ảnh: Phạm Yên

Thế nhưng, nhiều người am hiểu cho rằng: “HPHN đi play-off chẳng có gì là lạ. Họ thất bại bởi chính cách dùng tiền và dùng người”.

Có vẻ như việc đoạt chiếc Cúp Quốc gia mùa bóng 2006 đã khiến lãnh đạo HPHN ảo tưởng về sức mạnh của mình.

Ngay trong lễ xuất quân mùa giải 2007, HPHN hồ hởi tuyên bố sẽ chi khoảng 23 tỷ đồng cho các mục tiêu của đội bóng, từ V-League đến Cúp Quốc gia rồi Cúp châu Á.

Chẳng ai hồ nghi về sức mạnh tài chính của HPHN nhưng người ta không tin tưởng lắm về mục tiêu của họ, bởi tiền chưa phải là yếu tố có tính chất quyết định mang lại thành công.

Và HPHN đã bắt đầu chứng tỏ cách tiêu tiền vô tội vạ của mình. Đầu tiên là chuyến tập huấn tại Singapore mang dáng vẻ du lịch nhiều hơn là chất lượng một chuyến hành quân chuẩn bị cho trận đánh lớn.

Nhớ lại trên sân Hà Nội trong trận đấu với TCDK.SLNA, khi đội khách được hưởng quả phạt đền, thật lạ là chẳng có cầu thủ nào của HPHN phản ứng về một tình huống rất nhạy cảm như thế.

Ngay từ khi ấy, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: “Phải chăng đã có những cầu thủ muốn đi play - off?”.

Nhưng việc bổ sung lực lượng của HPHN mới là kỳ lạ. Để nhận sự phục vụ của Das Silva, HPHN phải chi khoản tiền chuyển nhượng lên tới 60.000 USD mặc dù tất cả số tiền ấy, tất nhiên là rơi vào túi Das Silva cả, chưa kể mức lương rất ưu đãi 6.000 USD/tháng.

Để có Alphonce, HPHN cũng phải bỏ khoảng 30.000 USD tiền chuyển nhượng cùng một mức lương hấp dẫn.

Dù có thể chấp nhận những khoản tiền tỷ để lấy ngoại binh nhưng cách lấy nội binh của HPHN cũng gây ngạc nhiên cho giới chuyên môn. Một loạt các cầu thủ sắp bị coi là hàng thải ở SLNA như Hải Nam, Ngọc Tú, Công Minh được rước về với giá chuyển nhượng không dưới 300 triệu đồng mỗi cầu thủ, rồi Xuân Thành, Cao Sỹ Cường.

Mới đây, cựu HLV Vương Tiến Dũng đã bật mí một chuyện rất khó tin: Dù là HLV trưởng nhưng ông Dũng lại đứng ngoài những vụ chuyển nhượng đầu mùa của HPHN.

Ông Vương Tiến Dũng tiết lộ: “Các cầu thủ Nghệ An thì tôi không trực tiếp lấy về. Trước đó, tôi cũng biết Ngọc Tú hay bị đau, Hải Nam thì không còn suất ở đội chính SLNA nữa nên rất băn khoăn. Nhưng không biết hai cầu thủ này lý giải thế nào mà lãnh đội HP.HN gật đầu”.

Song nói thế nào thì ông Vương Tiến Dũng cũng nên tự trách mình trước, bởi người mà ông lấy về, tưởng là sẽ chơi tốt như Cao Sỹ Cường - học trò ruột của ông Dũng lại là một nỗi thất vọng lớn.

Cái cách lấy người, dùng tiền đi tập huấn kiểu “Công tử Bạc Liêu” đã chẳng mang lại lợi lộc gì cho HPHN.

Ông Trần Bình Sự chỉ sai một đáp án

Khi lên thay HLV Vương Tiến Dũng, ông Trần Bình Sự đã đưa ra phép tính rằng phải cần 12 điểm cho 8 trận đấu còn lại là HPHN an toàn. Không hiểu ông Sự tính toán thế nào mà đúng thật, HPHN từ chỗ 18 điểm lên tới 30 điểm (vừa đúng con tính của ông Sự) nhưng lại không an toàn.

Người ta cứ râm ran chuyện ông Sự đã phải cạy cục đi xin đội này đội kia điểm, thế mới chỉ là tin đồn. Nhưng sự thật là trận nào thì HPHN cũng chơi không có chút lửa, cứ vật vờ. Lối đá trên sân thì chia nửa: Nội và ngoại. Trên hàng công, Das Silva chỉ thích phối hợp với William, còn với cầu thủ nội thì đừng hòng.

Trong phép tính của ông Sự, có một chỗ sai rất nhỏ nhưng nó ảnh hưởng đến đại cục. Đó là ông và cả lãnh đạo HPHN đã không nhìn ra các cầu thủ HPHN muốn gì.

Và đến trận đấu với HAGL thì mọi chuyện xem ra đã rõ ràng. Người ta không thể hiểu nổi trong một trận đấu có tính chất sống còn đến thế, HPHN lại chơi non kém đến hớ hênh.

Và HPHN đã đi play-off như đúng cách tính toán của một vài cầu thủ trong đội. Những đứa con nhà giàu luôn có cách để bố mẹ phải chi tiền. Trong trường hợp của HPHN thì trận play-off là một cách.

Những cái nhất của V-League 2007

Đội thắng nhiều trận nhất: Bình Dương – 16 trận

Đội thắng ít trận nhất: Đồng Tháp -   3 trận

Đội thua nhiều trận nhất: Huda Huế -  14 trận

Đội thua ít trận nhất: Bình Dương -     3 trận

Đội hòa nhiều trận nhất: Đồng Tháp và TCDK.SLNA – cùng 11 trận

Đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất: Bình Dương - 46 bàn

Đội bóng ghi ít bàn thắng nhất: Đồng Tháp - 21 bàn

Đội bóng để thủng lưới ít nhất: Bình Dương – 22 bàn

Đội bóng để thủng lưới nhiều nhất: Huda Huế – 44 bàn

Đội ghi nhiều bàn trên sân khách nhất: Đồng Tâm Long An – 21 bàn

Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong 1 trận đấu: Đình Việt (HA.GL) ghi được 5 bàn trong trận HA.GL thắng HP.HN 6 -1 ở vòng đấu cuối cùng

Trận thắng đậm nhất: HA.GL thắng HP.HN 6 -1 ở vòng 26.

Trận hòa có tỷ số cao nhất: Đồng Tháp hòa TCDK.SLNA 3-3 ở vòng 5.

Đội giành được nhiều điểm nhất trên sân nhà: Bình Dương - 33 điểm

Đội giành được nhiều điểm nhất trên sân khách: Bình Dương - 22 điểm

Đội ghi nhiều bàn thắng nhất trên sân nhà: Bình Dương – 29 bàn

Đội ghi nhiều bàn thắng nhất trên sân khách: ĐT.LA - 19 bàn

Đội nhận nhiều thẻ đỏ nhất: ĐT.LA - 4 thẻ đỏ

Đội nhận ít thẻ đỏ nhất: Hà Nội.ACB và Huda Huế -  không có thẻ đỏ nào

Đội nhận nhiều thẻ vàng nhất: HP.HN - 61 thẻ vàng

Đội nhận ít thẻ vàng nhất: ĐT.LA và Huda Huế - cùng 34 thẻ vàng.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.