Chương trình lần này quy tụ 9 nghệ sĩ đến từ Rumani, Đức, Thụy Sĩ, Trung Quốc và Litva: Razvan Suma, Denis Severin, Stefan Cazacu, Mindaugas Backus, Chu Y-Bing, Leonid Gorokov, Ella Bokor, Iulian Ochescu. Đinh Hoài Xuân sẽ độc tấu hai tiết mục. Cuối chương trình, như thường lệ, tất cả các nghệ sĩ sẽ trình diễn một bản dân ca Việt Nam. Năm nay Lý ngựa ô Huế được chọn. Có 2 ca sĩ cùng tham gia trong tiết mục này. Nghệ sĩ cello Rumani Ella Bokor cho hay cô rất thích thú khi được tiếp cận với âm nhạc Việt Nam và những ngày này dù ở nhà hay ra đường, lúc nào cô cũng cắm tai nghe để thấm Lý ngựa ô.
Năm ngoái, Cello Fundamento 2 đã phá kỷ lục giá vé tại Nhà hát Lớn khi hạng VIP lên tới 10 triệu/vé (30% trong đó dành cho từ thiện), mức rẻ nhất là 1 triệu. Năm nay chương trình tiếp tục giữ mức vé này và tiếp tục trích tiền vé tặng học bổng cho các tài năng âm nhạc trẻ. Mặc dù nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nghệ sĩ quốc tế nhưng Xuân cho hay chương trình năm ngoái vẫn lỗ. Chi phí tổ chức khá tốn kém. Đơn cử với mỗi nghệ sĩ cello phải mua 2 vé máy bay- một cho người và một cho đàn. Trước đêm diễn, các nghệ sĩ sẽ tập luyện và có các cuộc tập huấn cho các tài năng trẻ tại Vườn ươm Tài năng của GS Ngô Bảo Châu tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Nghệ sĩ Đinh Hoài Xuân vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ đề tài Biểu diễn và phổ biến cello tại Việt Nam. Chị dày công tổ chức 3 kỳ hòa nhạc cello cũng là để lấy tư liệu cho luận án này. GS ĐH Âm nhạc Quốc gia Bucarest Razvan Suma nhận xét về cô học trò đến từ Việt Nam: “Sau một tiếng nói chuyện với Xuân cách đây 3 năm, tôi đã nhận cô làm học trò. Xuân không chỉ nỗ lực cho bản thân mà còn đóng góp thiết thực cho sự phát triển của cây cello ở Việt Nam. Sự trao đổi văn hóa không chỉ diễn ra một chiều. Cũng nhờ Xuân mà chúng tôi có mặt ở đây để hiểu thêm về nền văn hóa tuyệt vời của các bạn”.
Đinh Hoài Xuân cho biết khi mới sang du học, cô không được đánh giá cao về kỹ thuật nên gần như phải học lại từ đầu. Bù lại cô có thế mạnh về nhạc cảm và quyết tâm. Cùng lúc Xuân phải chinh phục hai ngoại ngữ là tiếng Anh khoa học (để viết luận) và tiếng Rumani. Thời gian đầu, Xuân phải ghi âm bài giảng về nhà tự dịch và nhờ 2 bạn cùng hỗ trợ. Ba năm ở Rumani, Xuân chỉ biết đúng 3 con đường từ sân bay vào thành phố, từ ký túc xá đến trường và ra siêu thị để mua đồ ăn. GS Suma đánh giá bằng tiến sĩ của Xuân không chỉ có tính chất giấy tờ mà thể hiện kiến thức thực sự. Đinh Hoài Xuân chính là nữ tiến sĩ đầu tiên về biểu diễn cello ở Việt Nam.
“Xuân không chỉ nỗ lực cho bản thân mà còn đóng góp thiết thực cho sự phát triển của cây cello ở Việt Nam. Sự trao đổi văn hóa không chỉ diễn ra một chiều. Cũng nhờ Xuân mà chúng tôi có mặt ở đây để hiểu thêm về nền văn hóa tuyệt vời của các bạn”.GS Razvan Suma