Hoa này, hoa gì?

Hoa này, hoa gì?
TP - Xôn xao về vụ hoa trang trí ở đài phun nước trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã lắng xuống. Nhưng với những người yêu văn hóa nghệ thuật thì câu hỏi từ sự kiện mà đám đông thắng thế vẫn còn ám ảnh: “Hoa này, hoa gì?”. Người ta đoán mò rồi châm biếm đủ kiểu: Hoa rau muống, hoa móng tay, thậm chí là hoa… ăn thịt người! 

Một vị có trách nhiệm đã phải lên tiếng giải thích trên phương tiện truyền thông rằng đây là hoa loa kèn được cách điệu, trong khi vị khác thì khẳng định là hoa tóc tiên. Song dư luận vẫn không công nhận chúng. Và sau cùng, người ta đặt cho đám hoa tội nghiệp ấy cái tên rất thương: Hoa lạ. “Hoa lạ” được tháo dỡ, dư luận vỗ tay.

Kiểu dáng và màu sắc của đài hoa, nếu thấy chưa ổn về màu sắc và thiết kế thì tháo dỡ là việc cần làm nhưng cứ chăm chăm “soi” hoa này là hoa gì, để làm gì? Nếu cứ đà này, có ngày cụ Hoàng Cầm ở nơi xa xôi ấy cũng sẽ bị gọi về chất vấn: Lá diêu bông là cái lá gì? Ngay đến cả Trịnh Công Sơn, một nhạc sỹ có lượng hâm mộ dạng “khủng” đủ mọi thế hệ, cũng sẽ bị lục vấn với những lời ca mộng mị: “Hòn đá lăn trên đồi/Hòn đá rớt xuống cành mai/Rụng cánh hoa mai gầy/Chim chóc hót tiếng qua đời” v.v.

Có rất nhiều lý do khiến văn học trung đại hay các loại hình sân khấu truyền thống như tuồng, chèo… thất thế. Nhân câu hỏi: “Hoa này, hoa gì?”, có thể tìm thấy thêm một nguyên nhân về sự đìu hiu của những bộ môn nghệ thuật thuộc về xưa cũ. Ngày xưa, các cụ làu làu Truyện Kiều, đọc xuôi, đọc ngược. Ngày nay, mấy bạn trẻ thuộc nổi vài trăm câu Kiều, đừng nói “giấc mộng” 3.254 câu? Bởi vì, để giải đáp thắc mắc, câu thơ này ý nghĩa như thế nào, thì người thưởng thức phải vừa đọc vừa tra từ điển Truyện Kiều, một sự phức tạp không hề nhẹ với những độc giả vốn thích sự rõ ràng, thẳng thắn như kiểu tự tin vỗ ngực: “Tôi không phải dạng vừa đâu, vừa vừa vừa vừa đâu” của anh chàng được mệnh danh ngôi sao sáng nhất hiện nay trên bầu trời giải trí
ở ta.

Lâu nay, chúng ta cứ kêu ca về sự lạm dụng cảnh nóng trong phim ảnh. Nhưng phải chăng, để thỏa mãn sự trần trụi trong cảm nhận của khán giả, cảnh nóng mới được đà lên ngôi? Ít có bộ phim Việt nào ăn khách mà không có tí “nóng”. Diễn viên Trương Ngọc Ánh từng tâm sự về cảnh nóng trong phim “Hương Ga” đến mức khiến người đọc phải ngượng thay: “Dĩ nhiên khi đã có chồng 8 năm nay, tôi cũng có… kinh nghiệm sex nhiều hơn nên diễn tốt hơn. Anh Kim Lý (bạn diễn - PV) thực ra cũng rất từng trải rồi, rất giỏi trong chuyện mô phỏng ấy”. Văn học cổ ngày xưa ý nhị khi nói đến “cảnh nóng”. Như cô Kiều khi lầm lạc chốn bụi trần nhớ về Kim Trọng, than rằng: “Biết thân đến bước lạc loài/Nhị đào thả bẻ cho người tình chung”. Ý nhị thế nên Kiều càng ngày càng bớt “hot”?

Cứ với câu hỏi: “Hoa này, hoa gì?”, đưa sang thế giới hội họa thì các họa sỹ cũng đến nước bỏ cọ chuyển sang nghề kinh doanh hoa. Có những lúc nghe các nhà văn, nhà thơ tuyên bố thẳng thừng: “Tác phẩm của tôi không hướng tới số đông”. Nghe thì lạ nhưng nếu xét trên thực tế, số đông đôi lúc cũng làm hỏng sáng tạo, với những đòi hỏi phản nghệ thuật. Cũng may, trong những cuộc tranh giải thưởng nghệ thuật chuyên nghiệp, có hội đồng nghệ thuật chấm đàng hoàng, không giống như những sân chơi giải trí, lấy bình chọn khán giả làm hàng đầu. Ấy vậy mà, hội đồng nghệ thuật tuy chẳng bao giờ thắc mắc kiểu “Hoa này, hoa gì?” nhưng lại nảy sinh vô khối những chuyện lùm xùm khác. Cho nên, giải thưởng của không ít hội nghệ thuật chuyên nghiệp những năm qua vẫn gây đàm tiếu.

MỚI - NÓNG