Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả Từ điển Cây thuốc Việt Nam, hoa mào gà đỏ (hay bông mồng gà) có tên khoa học là Celosia argentea L. var. cristata (L.) Kuntze (C, cristata L.). Cây thuộc họ rau dền Amaranthaceae.
Mào gà ưa sáng, dễ trồng, không đòi hỏi nhiều phân. Ra hoa từ tháng 7 đến 9, có quả từ tháng 9 đến 11. Đông y dùng cụm hoa (thường gọi là kê quan hoa) và mầm non để làm thuốc. Người ta thu hái cụm hoa vào mùa thu, loại bỏ tạp chất và hạt, phơi hoặc sấy khô. Mầm non của cây thu hái quanh năm.
Mào gà có vị ngọt, tính mát, tác dụng kiện tỳ lợi thấp, lương huyết chỉ huyết. Dân gian thường dùng làm thuốc cầm máu, chữa sốt, trị lỵ, xích bạch đới, viêm đường tiết niệu, lỵ ra máu, trĩ ra máu, thổ huyết, băng huyết, tiểu tiện ra máu, rong kinh, dị ứng.
Tiến sĩ Chi giới thiệu một số bài thuốc từ hoa mào gà như sau:
Mề đay (còn gọi là mày đay)
Dùng 15 g cụm hoa mào gà trắng (bạch kê quan hoa) tươi, 8 g quả ké đầu ngựa (sao bỏ gai), 10 quả hồng táo. Tất cả đem sắc nước uống. Đồng thời dùng mầm non của cây mào gà đỏ sắc nước rửa quanh vùng nổi mề đay.
Rong kinh, máu kinh quá nhiều
Bạch kê quan hoa phơi khô tán thành bột, mỗi lần uống 6 g, mỗi ngày dùng từ một đến hai lần chung với rượu. vào lúc đói. Nếu không uống được rượu thì dùng chung với nước ấm cũng được.
Hồng kê quan hoa (hoa mào gà đỏ) 30 g nấu chung với chút rượu trắng để uống. Hoặc 25 g hồng kê quan hoa nấu chín với một lượng thịt lợn vừa đủ, ăn trước khi có kinh 3 ngày.
Viêm nhiễm âm đạo
Kê quan hoa cả hạt 60 g, xà sàng tử 15 g. Tất cả đem sắc nước để rửa từ một đến hai lần mỗi ngày. Nước sắc hoa mào gà có tác dụng kháng trùng roi âm đạo. Lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai.