Hoa kỳ thừa nhận Việt Nam không bán phá giá hàng dệt may

Hoa kỳ thừa nhận Việt Nam không bán phá giá hàng dệt may
TP - Theo tin từ Vụ Thị trường châu Mỹ - Bộ Công Thương, ngày 21/11, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả rà soát lần thứ 3 số liệu nhập khẩu dệt may 6 tháng gần đây của Việt Nam trong chương trình giám sát.
Hoa kỳ thừa nhận Việt Nam không bán phá giá hàng dệt may ảnh 1
Tình hình ngành dệt may Việt Nam sẽ tốt hơn sau khi Hoa Kỳ chấm dứt cơ chế giám sát hàng dệt may vào nước này   Ảnh: Đại Dương

Theo dự báo trước đó của Vitas, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nhu cầu và sức mua giảm nên xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Hoa Kỳ năm 2009 sẽ giảm khoảng 20-30%.

Tuy nhiên, với tình hình mới hiện nay, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ mạnh dạn trong việc đặt hàng nên có khả năng mức sút giảm trong 2009 sẽ chỉ còn khoảng 15%.

Điều đó có nghĩa trong bầu không khí ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, dệt may Việt Nam vẫn và sẽ sáng sủa hơn. 

Theo đó, DOC thấy không đủ bằng chứng để tiến hành việc điều tra chống bán phá giá hàng dệt may của Việt Nam.

“Trong lần điều tra cuối cùng đã cho thấy các mức giá của Việt Nam đều tương đồng và thậm chí trong nhiều trường hợp còn vượt quá cả những nhà cung cấp chính khác, bao gồm cả các nước Trung Mỹ”- Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Mỹ về vấn đề giám sát nhập khẩu, ông David Spooner xác nhận.

Chương trình giám sát này đã được bắt đầu kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tháng 1 năm 2007. 

Ở lần thứ 3, DOC đã tiến hành kiểm tra số liệu nhập khẩu của 5 nhóm hàng may mặc khác nhau từ Việt Nam (gồm quần, áo sơmi, đồ lót, đồ bơi và áo len) trong suốt 6 tháng, từ tháng 2 cho tới tháng 7 năm 2008.

Kết quả, trong suốt giai đoạn này, Hoa Kỳ đã không nhập khẩu từ Việt Nam 208 trong tổng số gần 500 mã hàng có mã HS10 chữ số. Rất nhiều mã hàng nhập khẩu có đơn giá tăng, cho thấy việc bán phá giá đã không diễn ra.

DOC sau đó cũng đã so sánh những xu hướng biến đổi của đơn giá và số lượng nhập khẩu từ Việt Nam với các nước xuất khẩu khác như Bangladesh, CAFTA-DR (Costa Rica, Dominican Republic, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua), Cambodia, India, Indonesia, Macau, Malaysia, Pakistan, Philippines và Thái Lan.

Dựa trên sự so sánh này, DOC đã kết luận rằng không có đủ bằng chứng để tiến hành điều tra chống bán phá giá.

Dẫn nguồn tin Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ, hôm qua (26/11) Trung tâm thông tin thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ vừa lên tiếng hoan nghênh quyết định của DOC kết thúc chương trình giám sát hàng nhập khẩu đối với một số mặt hàng dệt may của Việt Nam.

Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ, Laura Jones nói: “Thực tế là trong cả ba đợt xem xét Mỹ đều không tìm thấy bằng chứng nào về bán phá giá. Điều này khẳng định đáng lẽ chương trình này không nên có ngay từ đợt xem xét đầu tiên”.

Laura Jones là người đã mạnh mẽ phản đối việc giám sát hàng dệt may Việt Nam ngay từ khi chính quyền của Tổng thống George W. Bush bắt đầu tiến hành chương trình giám sát.

Hôm qua (26/11), Hiệp hội Dệt may Việt nam (Vitas) cũng ra thông cáo và nêu rõ:

“Vitas đánh giá cao tuyên bố trên của DOC và cho rằng DOC đã thừa nhận và tôn trọng một thực tế là, các DN dệt may Việt Nam đã không hề bán phá giá hàng dệt may vào Hoa Kỳ, làm ảnh hưởng đến thị trường và các nhà sản xuất Hoa Kỳ. Hiệp hội cũng hoan nghênh ý kiến của DOC khi cho rằng đây là lần xem xét cuối cùng của Chương trình giám sát nhập khẩu đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam và chương trình này sẽ chấm dứt vào tháng 1/2009 tới cùng với chính quyền của Tổng thống Bush”.

Vitas hy vọng chính quyền mới tại Hoa Kỳ sẽ tôn trọng các cam kết của chính quyền Bush không gia hạn chương trình giám sát hoặc áp đặt thêm các rào cản thương mại đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam, tạo điều kiện phát triển hơn nữa mối quan hệ thương mại, hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. 

Vitas cũng khuyến cáo các DN tiếp tục đảm bảo sản xuất và đời sống người lao động, ưu tiên lựa chọn các đơn hàng có giá trị gia tăng cao, nhất là đối với các nhóm hàng nhạy cảm khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Cũng trong chiều hôm qua, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Xuân Hồng-Giám đốc Cty May Sài Gòn 3, kiêm Phó Chủ tịch Vitas cho biết với việc dỡ bỏ chương trình giám sát, các DN dệt may Việt Nam sẽ bớt đi một nỗi lo.

MỚI - NÓNG