Hoa kiểng khởi nghiệp

TP - Hai chàng trai ở làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng miền Tây khởi nghiệp từ sự sáng tạo và đam mê của mình với hoa, mong muốn tạo ra giá trị bản địa và vươn xa hơn nữa.
Anh Đào Hải Triều (bìa phải) giới thiệu cây dâu tây Đà Lạt trồng tại Sa Đéc.

Anh Đào Hải Triều, 25 tuổi ở khóm Tân Huề, phường Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết, mới thuê thêm 2.000m2 nữa để trồng hoa. “Năm nay phục vụ thị trường Tết khoảng 10.000 chậu hoa với hơn chục loại các loại như: Cúc đồng tiền, cát tường, hoa chuông… Đặc biệt là trồng thử nghiệm thêm giống dâu tây từ Đà Lạt mang về”, anh Triều nói.

Anh Triều học hết lớp 12 rồi nghỉ ở nhà phụ gia đình trồng hoa cho đến giờ. Với niềm đam mê, tò mò học hỏi của mình, anh Triều đi nhiều nơi, đến các làng hoa khác và học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người trồng hoa lâu năm. Theo anh Triều, thổ nhưỡng cũng như vị trí ở Sa Đéc rất phù hợp để hoa phát triển vì nhiệt độ không chênh lệch quá nhiều giữa ngày và đêm, còn dịp Tết thường không bị mưa, nhiệt độ trung bình dao động khoảng 27 - 32oC nên màu sắc đẹp hơn so nơi khác trong vùng. Nếu nhiệt độ chênh lệch quá cao sẽ dẫn đến hoa không thích ứng nổi. Ngoài ra, anh Triều còn bật mí thêm một yếu tố quan trọng không kém để làm nên thương hiệu làng hoa Sa Đéc chính là nguồn nước sạch và có phù sa nhiều.

Về kinh nghiệm, anh Triều cho biết, dân làng nghề hầu như gia đình nào cũng có mấy chục năm trong nghề, truyền từ đời này sang đời khác. Thậm chí chỉ cần nhìn vào màu sắc của hoa thì biết được hoa thiếu chất gì để bổ sung hoặc thời điểm nào trong năm là phù hợp với loại hoa gì…

Kinh doanh qua mạng xã hội

“Suốt đêm qua tôi đi giao hàng ở TPHCM mới đến nhà rồi chợp mắt chút là thức dậy ra cửa hàng bán phụ vợ”, anh Ngô Thanh Tùng, 30 tuổi, chủ cơ sở sản xuất hoa kiểng Sơn Vinh ở ấp Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông (Sa Đéc, Đồng Tháp) chia sẻ.

Anh Tùng trước đây từng có 8 năm là tài xế taxi ở TPHCM. Anh cho biết, trong thời gian đi làm đã ấp ủ ước mơ làm chủ và  phát triển  thương hiệu hoa Sa Đéc. Cũng trong thời gian này, anh xây dựng chiến lược kinh doanh của mình bằng cách thông qua mạng xã hội, Facebook và các kênh khác nhằm hướng đến mọi đối tượng khách hàng, đặc biệt là người nước ngoài. “Khách hàng đặt hàng qua mạng xã hội chiếm khoảng 30%, còn lại là quen biết và làm ăn uy tín. Vì thế, việc đăng tải, giới thiệu hình ảnh kết nối thông tin để tương tác với mọi người qua mạng xã hội trong kinh doanh là điều không thể thiếu ở thời đại hiện nay, điều mà các nhà vườn truyền thống còn e dè, hạn chế”, anh Tùng nói.

Anh Ngô Thanh Tùng.

Đầu năm 2016, anh Tùng cùng vợ quay về quê và bắt đầu khởi nghiệp với việc chuyên sâu hoa kiểng bằng nguồn vốn hai vợ chồng tích góp gần chục năm trời, khoảng 100 triệu. Tuy nhiên, trên lý thuyết là vậy nhưng đến khi bắt tay vào làm thì khó khăn trăm bề. “Tôi thất bại không dưới chục lần, thua lỗ hết trăm triệu, người thân lo lắng rồi khuyên bỏ nghề, họ bảo cứ làm như ông bà mấy chục năm nay, ai sao mình vậy, vẫn sống khỏe. Tuy nhiên mỗi lần thất bại trong lòng thôi thúc tôi phải càng cố gắng, không được bỏ cuộc”, anh Tùng bộc bạch.

Anh kể, năm đầu thuê 4.000m2 đất trồng cỏ để bán cho khách hàng trải thảm trang trí công trình, biệt thự… Tuy nhiên, lần đó đầu tư chưa lấy được đồng vốn nào thì ruộng bị nước ngập, chết hết, coi như mất trắng. Lần thứ hai đầu tư bán sản phẩm phụ trợ nông nghiệp như xơ dừa, tro trấu… để cung cấp cho người dân trồng hoa kiểng nhưng do giá chênh lệch không cao, lại cạnh tranh với nhiều cửa hàng khác cũng dẫn đến thua lỗ…

Không nản lòng, trong thời gian này, anh vận dụng các mối quan hệ, khách hàng khi còn là tài xế ở TPHCM để phát triển kinh doanh. “Khách hàng bảo ở quê nổi tiếng là hoa thì nên khởi nghiệp từ hoa. Thế là tôi bắt đầu kinh doanh cho đến giờ”, anh Tùng tâm sự.

Theo anh Tùng, trung bình một năm doanh thu từ bán hoa kiểng khoảng 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên ban đầu khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu nên lợi nhuận thấp, khoảng 10%.

Anh Nguyễn Bình Thiên Quốc, Bí thư Đoàn phường Tân Quy Đông đánh giá, hai bạn trẻ có tâm huyết với làng nghề hoa kiểng truyền thống của gia đình để lại từ nhiều thế hệ. “Các bạn lấy hoa kiểng làm chủ đạo phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân. Đồng thời cũng góp phần nâng cao giá trị của hoa Sa Đéc và lan tỏa thương hiệu không chỉ trong và ngoài nước. Ngoài ra, các anh còn nghiên cứu, tìm tòi học hỏi để cho ra đời nhiều giống hoa mới mang tính bản địa cho làng nghề. Đồng thời, liên kết với nông dân để họ yên tâm đầu ra, nâng cao đời sống”, anh Quốc nói.

Anh Huỳnh Minh Thức, Phó Bí thư tỉnh Đoàn Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đoàn đang tập trung đồng hành, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đặc biệt là truyền cảm hứng cho thanh niên thông qua việc lồng ghép các diễn đàn, khóa tập huấn, đào tạo kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình khởi nghiệp như câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế, tổ hợp tác.

Năm 2017 diện tích hoa kiểng toàn thành phố Sa Đéc đạt trên 500 ha với 2.300 hộ đang sản xuất kinh doanh và trên 2.000 chủng loại hoa kiểng. Giá trị sản xuất hoa chiếm khoảng 61% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.