Hoa hậu Séc cũng xin chữ

Ông Nguyễn Quyết Tiến tặng chữ Hoa hậu và Á hậu Séc. Ảnh: Linh Diệu.
Ông Nguyễn Quyết Tiến tặng chữ Hoa hậu và Á hậu Séc. Ảnh: Linh Diệu.
TP - “Thư pháp chỉ là việc tay trái của tôi, viết tùy hứng, lúc chữ Việt, lúc chữ Séc, lúc Hán Nôm. Tôi chỉ viết vào mấy ngày lễ tết khi mọi người có nhu cầu xin chữ. Tây thấy hay quá, cũng xin, trong đó có cả Hoa hậu Séc”, ông Nguyễn Quyết Tiến, người Việt tại Cộng hòa Séc chia sẻ.

Vốn là kỹ sư điều khiển học, rồi đam mê với chữ nghĩa, ông Nguyễn Quyết Tiến được biết đến là đồng tác giả bộ Đại từ điển giáo khoa Séc - Việt 6 tập, hiện đã hoàn thành 2 tập. Liên hệ với ông thời gian này rất khó, vì ông đang mê mải với “nàng” từ điển. Gửi câu hỏi phỏng vấn ông mấy ngày mà vẫn biệt vô âm tín. Rồi, sau đó ông lại rối rít xin lỗi vì đang quá say sưa với công việc biên soạn từ điển. Ông thú nhận: “Nói thật là nhiều khi tôi vẫn phải trốn để chuyên tâm viết từ điển. Xin đừng giận tôi nhé”.

Không ai có thể ngờ rằng, năm 1966, chàng trai Nguyễn Quyết Tiến, 18 tuổi sang Séc theo học ngành điều khiển học sau này lại trở thành nhà ngôn ngữ học, từ điển học. Thế nhưng, ông chẳng nhận về mình những danh hiệu đó, mà nhắc đi nhắc lại: “Đừng gọi tôi là nhà này, nhà nọ, học vị của tôi là… kỹ sư”.

Ông Tiến nhớ lại, hồi mới sang, trình độ tiếng Séc còn non. Muốn tra nghĩa một từ tiếng Séc, ông phải tra lòng vòng qua từ điển Séc - Nga, rồi Nga - Việt. Hơn 40 năm kể từ khi cuốn từ điển Séc - Việt đầu tiên ra đời, vẫn chưa có thêm cuốn từ điển nào, trong khi ngôn ngữ luôn phát triển và biến đổi. Thấy ông hay viết sách, báo và am hiểu văn hóa Séc, bà con người Việt động viên ông viết từ điển giúp các cháu nhỏ người Việt nhanh chóng hòa  được với cộng đồng sở tại. Đó chính là lý do thôi thúc Nguyễn Quyết Tiến bắt tay vào làm cuốn Đại từ điển giáo khoa Séc - Việt từ năm 2011 và đến năm 2013,  2 cuốn đầu tiên trong tổng số 6 cuốn đã chính thức ra mắt bạn đọc.

Khi hỏi chuyện viết thư pháp, ông hào hứng không kém: “Lại sắp Tết rồi, có lẽ tôi cũng phải chuẩn bị sẵn giấy bút”. Rồi ông  say sưa nói về con chữ: “Ngôn ngữ hay tuyệt vời, thư pháp là một cách chuyển tải thú vị của từ ngữ. Tây họ thấy lạ nên Tết cũng hay đến xin chữ. Tuy nhiên, tôi chỉ tặng chứ không bán. Thư pháp là một nét văn hóa rất đẹp của Việt Nam chúng ta cần phải gìn giữ, nhất là đối với những người Việt ở nước ngoài”.

Hoa hậu Séc cũng xin chữ ảnh 1

Bàn thư pháp của ông Nguyễn Quyết Tiến luôn đông người xin chữ.

Vốn là người thích viết chữ đẹp, ngay từ khi còn học ở  trường phổ thông trong nước, ông hay được giao nhiệm vụ trang trí báo tường, vẽ chữ, minh họa… Do đó, khi đến với nghệ thuật thư pháp, dù hơi muộn màng và chủ yếu là tự học, nhưng ông không gặp mấy khó khăn. Ông cho biết, chữ Việt, chữ tây thì dễ viết, chữ Hán Nôm thì phải học để hiểu nghĩa thì mới viết đẹp được. Thư pháp có “luật” riêng của nó, mình phải tôn trọng.

“Thư pháp là một nét văn hóa rất đẹp của Việt Nam chúng ta cần phải gìn giữ, nhất là đối với những người Việt ở nước ngoài”.

Ông Nguyễn Quyết Tiến

Không chỉ viết thư pháp, ông thường nhiệt tình giải thích ý nghĩa của mỗi chữ cho mọi người. Bên cạnh các chữ viết, ông thường họa thêm mấy câu thơ hoặc thành ngữ giải thích ý nghĩa của chữ đó. Người Việt và người Séc hay thích chữ Nhẫn. Bên cạnh chữ Nhẫn bằng tiếng Hán, ông hay viết thêm dòng chữ tiếng Việt: Nhẫn một chút sóng yên biển lặng. Lùi một bước biển rộng trời cao. Hoặc ở chữ Cội Nguồn, ông hay thêm dòng chữ nhỏ chạy bên cạnh: Cây nhiều cành cùng chung một cội, Nước trăm khe đều chảy từ nguồn... Có lúc, nhất là với người Séc, ông dịch những chữ này và viết luôn tiếng Séc vào bức thư pháp.

Khi được hỏi ở Séc, ngoài ông ra có còn nhà thư pháp người Việt nào nữa không, ông Tiến bảo: “Tôi không biết, chỉ biết là mọi người hay mời tôi đi viết vào dịp Tết và lễ hội. Cũng có nhiều người cầu kỳ đặt từ trước hoặc tìm đến tận nhà xin chữ. Có lẽ họ quan niệm xin chữ của người có nhiều chữ thì may cũng nên. Vì tôi hay viết sách dạy tiếng Việt, tiếng Séc... và cả từ điển nữa nên hay được khách cả Việt Nam lẫn bạn bè Séc xin chữ đầu năm”.

Ông hớn hở khoe, có người còn bảo treo chữ ở nhà gặp may lắm, nên họ đến nhiều và ông viết không kịp, nhưng rất vui. Đặc biệt, có năm có cả những anh chàng tây nhờ ông viết thư, đặt chữ để tặng người yêu. Tết cộng đồng người Việt tại Séc năm 2013, hai cô Hoa hậu, á hậu người Séc cũng đến xin chữ của ông. Tuy bận, nhưng ông cũng cố gắng hết mình để khoe nét đẹp của  văn hóa Việt với bạn bè Séc.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.