Hóa đơn điện tăng gấp đôi, sinh viên cắn răng tắt điều hòa chịu nóng

HHT - Bước vào những tháng cao điểm của mùa Hè, bên cạnh những bận rộn nhưng đầy ắp niềm vui như các hoạt động tình nguyện Hè sôi nổi thì sinh viên lại đang “đau đầu” với vấn đề sinh hoạt phí “leo thang” vì giá điện.  

Không hề được hưởng lợi từ chính sách giảm giá điện

Câu chuyện hoá đơn tiền điện tháng 5 tăng gấp đôi, gấp ba đang là chủ đề nóng bỏng trong bữa cơm gia đình, trong các cuộc trò chuyện công sở, trên mạng xã hội và cả trên mặt báo. Những người thấm nỗi lo tiền điện khác có lẽ chính là các bạn sinh viên đang trọ học tại các thành phố lớn - những người vốn đã phải thắt lưng buộc bụng trong việc chi tiêu từng tháng, xoay xở với số tiền “trợ cấp” gia đình gửi lên cũng như những khoản thu nhập eo hẹp từ công việc làm thêm.

Bạn Lưu Ngọc Hồng Ân (sinh viên năm 2, trường Đại học Kinh tế TP.HCM) chia sẻ: “Sài Gòn vốn quanh năm nóng nên mình gần như sử dụng điều hòa quanh năm. Tháng 5 vừa rồi thậm chí bước sang mùa mưa nên trời còn mát hơn. Thế nên mình thực sự choáng váng khi nhận hoá đơn tiền điện tháng trước. Hóa đơn tiền điện tháng 5 là “kỉ lục” đối với mình với số tiền 1.524.000 đồng, gấp ba lần bình thường và cao xấp xỉ tiền trọ. Cô chủ trọ cũng đã tạo điều kiện cho mình khi không thu tiền trọ trong tháng dịch nhưng tình hình tài chính của mình hiện tại vẫn khá bất ổn.”

Hóa đơn điện tăng gấp đôi, sinh viên cắn răng tắt điều hòa chịu nóng ảnh 1 Phòng trọ của Hồng Ân có trang bị một điều hòa ngoài đèn phòng lại nhận hóa đơn điện "đội giá" đến 1.5240.000 - cao "kỷ lục" vào tháng 5/2020

Bạn Minh Trang (sinh viên năm 3, đại học Thương Mại, Hà Nội) kể: “Không phải tự nhiên dạo này nhiều bạn sinh viên bày “36 kế” để tìm phòng trọ mới cho bằng được đâu. Nhiều chủ nhà trọ cam kết không tăng tiền điện với chúng mình thì thay vào đó là… tăng tiền trọ. Vừa kết thúc dịch, cô chủ trọ thông báo “nhẹ” tiền trọ tăng 30% vì ảnh hưởng của dịch khiến mình đang phải gấp rút tìm phòng chuyển trọ gấp.” 

Thông tư 25/2018/TT-BCT (Thông tư 25) nêu rõ: Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), chủ nhà cho thuê chưa xác định số người thuê trọ thì áp dụng biểu giá mức điện bậc 3 - từ 101 đến 200kWh (tính theo giá điện hiện nay là 2.014 đồng/ kWh). Tuy nhiên, thực tế mức giá điện mà sinh viên ở trọ phải trả hiện nay dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/ số.

Anh Xuân Thu (chủ nhà trọ có 8 phòng cho thuê tại khu vực Cổ Nhuế - Hà Nội) cho biết, giá điện hiện tại ở khu trọ nhà anh tính giá là 4.000 đồng/ số. Thực chất vào mùa cao điểm như đợt này, có những phòng trọ các bạn sử dụng điều hoà thì hoá đơn điện của các bạn đôi khi bằng luôn giá phòng.

Tuy nhiên, theo anh Thu, phía chủ trọ cũng không thể giảm hay ưu đãi phí tiền điện vì phía chủ trọ cũng phải nộp giá điện kinh doanh, hơn nữa nhà nước trợ giá thì tổng hoá đơn cũng chỉ giảm được 68.000 đồng/ tháng - không đáng kể để có thể ưu đãi cho khách thuê. Với giá điện 4.000 đồng/ số cũng là mức vừa phải hiện nay, bởi chủ trọ còn phải tính cả những khoản hao tổn điện không có trong hoá đơn của khách mỗi tháng như điện sử dụng các không gian chung như cầu thang, khu để xe, hành lang,… điện máy bơm nước chung của khu nhà... 

Gánh nặng chi tiêu còn “nóng” hơn cả mùa hè

Mặc dù tình hình dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát tốt, người dân trở lại cuộc sống “bình thường mới” nhưng dư chấn ảnh hưởng tới nền kinh tế được dự đoán là sẽ còn kéo dài. Kinh tế gia đình giảm sút, việc làm thêm không còn hoặc thu nhập không còn được như trước, không có cách nào khác, các bạn sinh viên phải giảm chi tiêu hơn nữa, xoay xở với ngân sách eo hẹp.

Hồng Ân chia sẻ, sau cú sốc hóa đơn điện tăng gấp ba lần, bạn không biết làm cách nào khác ngoài việc giảm tiêu thụ điện… ba lần để bù đắp “âm tiền” của tháng trước. Đối với Bùi Thúy Loan (sinh viên năm ba, trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình, TP.HCM), bạn cắt bỏ hoàn toàn nhu cầu đi chơi và mua sắm để cân đối chi tiêu: “Sau dịch, công việc làm thêm của mình bị cắt còn sinh hoạt phí cứ tăng. Phí tăng cao nhất là tiền điện khi tăng gấp đôi so với tháng trước dù sinh hoạt của mình vẫn không thay đổi. Vì vậy, những khoản cà phê với bạn, mua sắm, hẹn hò… là những mục bị gạch bỏ đầu tiên. Mình đành ngậm ngùi nhìn món mình thích mà không dám mua, những cuộc hẹn với bạn bè cũng phải tìm cách từ chối khéo. Tóm lại, sau dịch, sinh viên tụi mình chi lí từng tí để tiết kiệm chi tiêu tốt nhất có thể.” 

Bảo Thịnh (sinh viên năm nhất, trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Hà Nội) thậm chí phải cắt bớt bữa ăn để cân đối thu chi: “Lịch học hiện tại cũng không cho phép mình đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải sinh hoạt phí. Mình chỉ có thể giảm ăn uống chăm tiết kiệm tiền. Mình ăn ngày một bữa xen ngày ăn hai bữa. Cuối tuần, mình chủ yếu nghỉ ngơi ở nhà hoặc dạo công viên lúc chiều tối vừa xả hơi vừa nâng cao sức khỏe.”

1.001 cách tiết kiệm điện

Chia sẻ nhau những cách thức tiết kiệm điện trở thành đề tài được quan tâm của các diễn đàn sinh viên. Thu Hằng (sinh viên trường Đại hoc Nội Vụ, Hà Nội) cho biết: “Dùng ít hoặc không dùng điện vào giờ cao điểm như khung giờ 16h đến 19h là phương pháp mình được nhiều bạn chia sẻ. Mình đã áp dụng thử và khá hiệu quả.” 

Hóa đơn điện tăng gấp đôi, sinh viên cắn răng tắt điều hòa chịu nóng ảnh 2

Không gian phòng của Thu Hằng

Hóa đơn điện tăng gấp đôi, sinh viên cắn răng tắt điều hòa chịu nóng ảnh 3

Khu trọ của Thúy Loan

Thúy Loan thì cho biết chỉ về nhà khi trời xẩm tối và thời tiết lúc ấy cũng dịu mát hơn. Những ngày cuối tuần, Loan bật điều hòa khoảng 2 tiếng rồi tắt và luôn đóng kín phòng để giữ hơi lạnh.

Tuy nhiên ngay cả khi áp dụng những biện pháp đó, các bạn sinh viên vẫn lo lắng về việc hoá đơn điện sẽ vẫn ở mức cao. Nhiều bạn chạnh lòng trước thông tin bạn bè du học tại nước ngoài chia sẻ về các chính sách hỗ trợ của chính phủ, các trường học và doanh nghiệp dành cho sinh viên. Ví dụ như tại Nhật, chính phủ trợ cấp du học sinh với số tiền lên đến 20.000 yên (khoảng 44 triệu đồng); các trường cao đẳng, đại học cũng hỗ trợ cho du học sinh bằng nhiều hình thức như: giảm học phí, phát gạo, đồ ăn, bán cơm phần cho du học sinh chỉ bằng 25% giá gốc, giới thiệu việc làm cho những bạn mất việc; các nhà mạng viễn thông cũng đưa ra các gói sử dụng dịch vụ với giá rẻ cho các bạn du học sinh (cước phí di động ở Nhật khá đắt đỏ).

Là lực lượng lao động kế cận của đất nước nhưng lại dễ tổn thương nhất khi kinh tế đi xuống, sinh viên là nhóm đối tượng hàng đầu cần được sự quan tâm và hỗ trợ sau dịch. Chính vì vậy càng trong thời điểm khó khăn này, các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là bình ổn giá điện càng cần tính toán đến nhóm đối tượng này, qua đó ổn định đời sống dân sinh và hướng đến sự phát triển bền vững.

Hóa đơn điện tăng gấp đôi, sinh viên cắn răng tắt điều hòa chịu nóng ảnh 4
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm