TPO - Được người thân gửi vài nhành đào từ ngoài Bắc vào Tây Nguyên chơi Tết, gia đình anh Khâm đem cắm dưới đất rồi học cách chăm sóc tuốt lá. Không ngờ, cây đào vẫn đơm chồi nở hoa khoe sắc, góp thêm hương xuân cho vùng đất đầy nắng gió. Từ đó, anh quyết định đưa giống đào xứ lạnh trồng trên đất Buôn Đôn.
Nhìn vườn đào bung nở, anh Đoàn Xuân Khâm - chủ vườn đào Nhật Tân (thôn 5, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) không vui vì hoa nở sớm hơn dự kiến. “Khoảng 10 ngày nữa, cây bung hoa thì tuyệt biết mấy. Tôi theo dõi thời tiết rất kỹ để hãm nước, tuốt lá nhưng cũng không thuận ý mình”, anh Khâm nói và cho biết đã có gần 10 kinh nghiệm chăm đào xứ lạnh.
Anh Khâm cho hay, những năm 1980, gia đình rời quê vào Đắk Lắk lập nghiệp. Dù xa quê nhưng năm nào gia đình anh cũng cố gắng mua vài nhành đào về chưng Tết. “Chục năm về trước, tôi nhờ người quen gửi vào vài cành đào Nhật Tân chưng Tết. Đào để qua Tết nhưng cành vẫn còn tươi nên bố tôi đem ra sau vườn trồng và chăm sóc. Không ngờ, thời gian sau cây đào sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa nhiều và đẹp, Từ đó, hai cha con quyết định đưa giống đào xứ lạnh trồng trên đất Buôn Đôn” - anh Khâm nhớ lại.
Anh Khâm cho biết, thời tiết Tây Nguyên nắng nóng, gió nhiều khác hẳn với miền Bắc nên để cây đào sinh trưởng, nở hoa không hề đơn giản. Riêng việc đưa từ ngoài Bắc vào đây, cây giống đã bị chết gần 30%. Tuy nhiên, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, gia đình anh đã tìm được quy trình chăm sóc riêng cho hoa đào. Anh Khâm cho biết thêm, gia đình chỉ trồng giống đào thế nên bỏ rất nhiều công sức.
“Cây đào từ ngoài Bắc gửi về tôi phải trồng 2-3 năm cho quen với khí hậu mới bắt đầu tạo dáng cho cây. Tùy vào mỗi gốc đào mà tôi tạo các kiểu dáng khác nhau như dáng huyền, dáng trực, dáng phu thê, thế long, phượng… và không cây nào giống cây nào. Việc uốn dáng, tạo thế cho cây đòi hỏi người trồng phải có chút nghệ thuật, am hiểu phong thủy để tạo ra những tác phẩm vừa có hồn, đáp ứng được nhu cầu người chơi”, ông Khâm chia sẻ.
Do khí hậu khá khắc nghiệt lại kỳ công chăm sóc nên mỗi năm, anh Khâm chỉ trồng khoảng 300-400 cây đào thế. Mỗi gốc cây có tuổi từ 3 năm trở lên, có cây đến 16-17 năm tuổi. Tùy vào từng gốc cây (to, nhỏ, dáng thế khác nhau) mà giá bán dao động từ 2-3 triệu đồng, thậm chí 8-9 triệu đồng/cây.
Theo anh Khâm, thời gian đầu, đa số người mua là khách vãng lai, về sau nhiều người biết đến vườn đào nhà anh nhiều hơn. Gần Tết, khách lại ghé vườn nhà anh chọn cây rồi nhờ anh chăm sóc đến gần Tết mới mang về. Ngoài ra, anh cũng đưa đào thế lên Hội hoa Xuân bày bán.
Anh Khâm chia sẻ, năm 2021 anh bán được gần hết vườn đào. Năm nay, anh khá lo lắng vì sợ dịch COVID-19 tác động đến sức tiêu thụ của người dân. Dẫu vậy, anh Khâm hy vọng cây đào vẫn tiêu thụ mạnh vì mỗi năm chỉ có một mùa xuân.