Hóa chất bảo quản lạ trong hoa quả nhập từ Trung Quốc: Bó tay?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại chợ gia cầm Giếng Vuông (Lạng Sơn)
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại chợ gia cầm Giếng Vuông (Lạng Sơn)
TP - Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kiểm tra công tác kiểm dịch y tế biên giới, kinh doanh gia cầm và kiểm tra công tác quản lý hoa quả nhập khẩu tại thành phố Lạng Sơn.

Vấn đề được Bộ trưởng quan tâm nhất là tình trạng hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Hiện nay trên thị trường có khoảng 2.000 loại hóa chất bảo quản hoa quả nhưng cơ quan chức năng mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại. 

Ông Hoàng Đình Hoàng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết, cần thiết phải nâng cao năng lực xét nghiệm cho tỉnh mang tầm khu vực, quốc gia để có phản ứng nhanh trước việc hoa quả được bảo quản bằng nhiều loại hóa chất lạ. Theo ông Hoàng, có như vậy sẽ giúp ngăn chặn cho cả nước vì Lạng Sơn là cửa ngõ nhập hoa quả từ Trung Quốc.

Được biết hiện nay việc đình chỉ hay xử phạt thu giữ hoa quả không đảm bảo chất lượng gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay kiểm soát chất bảo quản rất khó, có nhiều hóa chất mới, một số Viện đã có thể kiểm nghiệm được, nhưng có nhiều chất chưa định danh được, khó kiểm soát dư lượng. Các đơn vị thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm nhưng hầu như không phát hiện được. 

Đồng tình với ý kiến của ông Đà, ông Lý Kim Soi, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cho biết, cách đây 3-4 năm Sở Y tế tỉnh từng lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Đoàn công tác Bộ Y tế đã lấy 15 mẫu trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc để kiểm nghiệm hóa chất bảo quản. Bộ trưởng yêu cầu Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm cần phối hợp với các chi cục an toàn thực phẩm lấy các mẫu quả ở chợ đầu mối, bán lẻ ngẫu nhiên để kiểm nghiệm tìm nguyên nhân vì sao táo, lê để lâu mà không hỏng. 

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục An toàn Thực phẩm làm việc với Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc đề nghị cung cấp danh sách hóa chất bảo quản được sử dụng, ngưỡng an toàn… đối với rau củ quả ở Trung Quốc. Từ đó, cơ quan kiểm nghiệm Việt Nam có cơ sở tìm kiếm các hóa chất không được phép sử dụng hay vượt ngưỡng cho phép.

Tăng cường phòng dịch tại biên giới

Tỉnh Lạng Sơn chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh do virus Ebola; cúm A/H7N9, A/H5N1 và A/H5N6 trên người. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola, cúm A/H7N9 có thể xâm nhập vào Lạng Sơn, cũng như khả năng lây nhiễm cúm A/H5N1, A/H5N6 từ gia cầm sang người tại đây rất cao.

Lạng Sơn có biên giới giáp Trung Quốc là nơi có nhiều ổ dịch cúm trên gia cầm, có nhiều trường hợp mắc và chết do dịch cúm A/H7N9, thường xuyên có người nhập cảnh từ vùng có dịch bệnh về; tình trạng buôn lậu gia cầm diễn ra thường xuyên xảy ra; vẫn xảy ra dịch cúm trên đàn gia cầm, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, việc quản lý mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết còn nhiều khó khăn; ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, do tâm lý còn chủ quan...

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan, bùng phát thành dịch và hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu củng cố khu thu dung điều trị cách ly tại phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng và các khoa truyền nhiễm tại 11 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện. 

Các đơn vị kiểm tra việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư, hoá chất và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng cho công tác phòng, chống dịch khi xảy ra. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bổ sung thuốc men, hoá chất, vật tư y tế, trang thiết bị phòng dịch và trang bị phòng hộ từ nguồn ngân sách phòng chống dịch hàng năm được cấp.

Bộ trưởng lưu ý cần tăng cường giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam, từ vùng đang có dịch hạch thể phổi; Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn cần phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thực hiện Chương trình giám sát trọng điểm bệnh dịch hạch tại Cửa khẩu Quốc tế Tân Thanh và Hữu Nghị. 

Công khai cơ sở vi phạm về phụ gia thực phẩm

“Kết quả thanh kiểm tra về phụ gia thực phẩm trên cả nước sẽ được tập hợp và công bố vào cuối năm nay (những cơ sở vi phạm) trên các phương tiện thông tin đại chúng”- ông Nguyễn Văn Nhiên, Trưởng phòng Công tác Thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, ngày 9/9. 

Tại hội thảo giới thiệu về triển lãm Food Ingredients Asia (triển lãm lớn nhất về nguyên liệu thực phẩm và đồ uống khu vực châu Á diễn ra vào tháng 10 tới tại Indonesia) hôm qua tại Hà Nội, ông Nhiên cho biết: Bộ Y tế đã công bố kế hoạch tổng kiểm tra tất cả các tỉnh thành từ hồi tháng 7. Riêng Bộ Y tế sẽ lập 4 đoàn thanh kiểm tra, ở 3 miền Bắc-Trung-Nam và Tây Nguyên.

Theo ông Nhiên, có khoảng 400 phụ gia thực phẩm, với 23 nhóm nằm trong danh mục cho phép. Tuy nhiên, hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm vi phạm, nhất là về ghi nhãn mác, chất lượng.

Phạm Anh

MỚI - NÓNG