Hòa Bình tăng cường quản lý và sử dụng đất hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã gặt hái được nhiều kết quả tích cực trong việc quản lý và sử dụng đất đai. Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn luôn được chú trọng và tiếp tục đẩy mạnh, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh Hòa Bình.

Xác định rõ mục tiêu, tạo đà phát triển

Trong những năm qua, Hòa Bình đã triển khai hiệu quả quy hoạch và quản lý sử dụng đất đai, bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý Nhà nước về đất đai được tăng cường, kiện toàn về số lượng và chất lượng, chuyên môn ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.

Ngày 26/5/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành phát triển có thu nhập cao.

Qua chương trình hành động được ban hành, tỉnh Hòa Bình xác định mục tiêu tổng quát nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất theo thẩm quyền đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh. Nguồn lực đất đai được khai thác và sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả, đáp ứng được những yêu cầu để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác quản lý đất đai; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và trách nhiệm trong việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai.

Hòa Bình tăng cường quản lý và sử dụng đất hiệu quả ảnh 1

Tỉnh Hòa Bình phát huy giá trị tài nguyên đất trong sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh xác định mục tiêu tổng quát, tỉnh Hòa Bình cũng đã vạch ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Định hướng đến năm 2025, tỉnh Hòa Bình sẽ hoàn thành kiện toàn tổ chức quản lý đất đai, hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về đất đai theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đồng bộ. Loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với cơ chế kiểm tra, giám sát quyền lực. Bên cạnh đó, tỉnh hướng tới, hoàn tất quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và huyện, hoàn thành đo đạc, lập hồ sơ địa chính tại 100% đơn vị cấp huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho 4/10 huyện, kết nối liên thông hệ thống thông tin quốc gia.

Về dịch vụ công, tỉnh Hòa Bình triển khai tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ tại bộ phận phục vụ hành chính công. Cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến, với 50% hồ sơ đất đai giải quyết qua dịch vụ công toàn tỉnh, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đạt trên 90%.

Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung xử lý các vướng mắc về nông, lâm trường quốc doanh, đất quốc phòng, đất tôn giáo, nghĩa trang và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Hoàn thành 70% việc đo đạc lại bản đồ địa chính đất lâm nghiệp theo Quyết định số 672/TTg-CP ngày 25/04/2006 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chỉnh lý, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các địa phương.

Hòa Bình tăng cường quản lý và sử dụng đất hiệu quả ảnh 2

Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu khắc phục triệt để tình trạng lãng phí, sử dụng đất bỏ hoang, và giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến quản lý đất nông, lâm trường. Mục tiêu là hoàn thành công tác đo đạc và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tất cả huyện. Tiếp tục duy trì cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình và toàn trình một phần đối với tất cả các thủ tục hành chính; tỷ lệ hồ sơ về đất đai giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt từ 70% trở lên trên tổng số hồ sơ tiếp nhận.

Năm 2023, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc sử dụng đất đã được thực hiện đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường sinh thái. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất như đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được quan tâm chú trọng, đảm bảo an ninh lương thực và giữ vững ổn định môi trường sinh thái. Công tác giao đất, cho thuê đất,.... được thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch và trình tự.

Sử dụng nguồn tài nguyên đất có hiệu quả

Theo thống kê, trong năm 2023, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phân bổ đến năm 2025 theo Quyết định số 326/QĐ-TTg là 4.862,51 ha; tổng diện tích các công trình, dự án đã quyết định thu hồi đất nhưng chưa giao đất do chưa có chỉ tiêu sử dụng đất là 8.167,39 ha. So với năm 2020, đất nông nghiệp trên địa bàn đạt 378.078 ha, giảm 4.862,51 ha; đất phi nông nghiệp đạt 62,148,24 ha, tăng 6.086,01 ha; đất chưa sử dụng đạt 9.803,4ha, giảm 1.223,5 ha.

Việc giao đất trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ cho mục tiêu phát triển hạ tầng như giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội khác. Việc cho thuê đất chủ yếu thực hiện các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ đã được cấp phép đầu tư, chủ trương đầu tư từ thời điểm trước, đến nay mới có nguồn tài chính để giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư dự án. Các dự án thương mại dịch vụ phát triển kinh tế đã được thực hiện chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.... Đồng thời, chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính và đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo các quy định của pháp luật.

Dù đã có nhiều tiến bộ, Hòa Bình vẫn phải đối mặt với một số vấn đề. Chẳng hạn, ngân sách hàng năm đạt thấp gây khó khăn cho việc đo đạc, lập bản đồ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu. Theo thống kê, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cho nhóm đất phi nông nghiệp chỉ đạt thấp, gây chậm trễ trong việc phát triển hạ tầng và các khu, cụm công nghiệp.

Các vấn đề khác bao gồm việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, chính sách đền bù chưa thỏa đáng cho người bị thu hồi đất. Việc tương tác với người dân và tuyên truyền về quyền sử dụng đất còn hạn chế, đối ngũ cán bộ còn yếu về chuyên môn. Đáng chú ý, nhiều trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý lấn chiếm, tranh chấp vẫn tồn tại.

Trước tình hình đó, ủy ban nhân dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh càng tăng cường công tác thanh tra, giám sát các dự án đất đai, kiểm tra các hoạt động kinh doanh bất động sản, đối với những trường hợp dự án bất động sản chưa đủ điều kiện pháp lý đã đưa vào kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

MỚI - NÓNG